Cây điền thanh, cây muồng hay cây phân xanh là những tên gọi khác nhau mà người nông dân ở Tây Cốc vẫn thường gọi khi thâm canh loại cây này trên diện tích chè của gia đình mình. Đó là loài cây thân nhỏ, mềm; lá có chất diệp lục cao, mềm, phát triển nhanh, tán rộng, sinh trưởng và phát triển tốt trên diện tích đất đồi núi khô cằn. Hơn nữa, khi lá cây điền thanh phân hủy sẽ tạo ra một loại phân bón rất tốt cho đất. Hiểu được đặc điểm cũng như tác dụng của loại cây này, trong những năm gần đây, người nông dân đã tận dụng những diện tích đất trống giữa các hàng chè để trồng xen nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của cây chè.

 

Cây điền thanh tạo bóng râm cho chè, giúp duy trì độ ẩm cho đất; đồng thời làm nguồn phân xanh cho cây chè, giúp giảm chi phí.


Theo cách làm của người dân Tây Cốc: Vào khoảng tháng 1-2 hàng năm, tiết trời mát, mưa nhiều, đất ẩm, người dân Tây Cốc bắt đầu trồng cây điền thanh. Vì đây là loại cây dễ trồng, dễ mọc, trồng bằng hạt nên người dân dùng cuốc bập hố nhỏ và nông, cho hạt xuống rồi vùi một lớp đất mỏng mà không cần dùng phân bón hay tưới nước. Thông thường, người ta trồng điền thanh xen vào hàng chè. Cứ một gốc chè kế tiếp một gốc điền thanh khoảng 2-3 cây, chè và điền thanh cách nhau khoảng 5-10cm. Để tạo hiệu quả cho cây chè, khi người dân trồng ươm chè cành hay chè hạt thì cây điền thanh được gieo xuống để kịp hỗ trợ cho chè con. Vì vậy, khi cây chè giống bắt đầu phát triển, vươn lá thì cây điền thanh cũng cao được 30-40 cm. Khi chè đã lớn, người ta tỉa thưa dần cây điền thanh và chỉ để lại những khoảng nhỏ. Một điểm lưu ý, khi trồng điền thanh xen cây chè là không nên trồng quá mau (dày) để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của chè. Khi cây điền thanh đã cao, cần bẻ ngọn để tạo nguồn phân xanh cho chè.


Bà con nông dân ở Tây Cốc cho biết, cây điền thanh trồng xen cây chè sẽ mang lại nhiều tác dụng không chỉ đối với cây chè mà còn cả với người làm chè. Với cây chè, cây điền thanh sẽ tạo bóng râm cho chè khi chè còn nhỏ, tán của điền thanh sẽ tạo ra một độ ẩm nhất định cho đất - giúp chè phát triển tốt hơn. Hơn nữa, lá điền thành khi già úa sẽ rụng xuống đất - đây sẽ là nguồn phân lớn tự nhiên ngay dưới gốc chè. Khi cây điền thanh lớn vượt từ 1-1,5m, người ta sẽ bẻ hoặc chặt ngọn điền thanh và ấp vào gốc chè. Như thế, gốc chè luôn giữ được độ ẩm và có nguồn phân bón từ lá điền thanh. Cây điền thanh sau khi được bẻ ngọn sẽ tiếp tục phát triển loạt lá non và che bóng, tạo độ ẩm cho chè. Với người làm chè, cây điền thanh lâu năm sẽ tạo bóng râm mát trên những triền đồi dại nắng. Vì thế, khi chăm sóc và thu hoạch, người dân sẽ tránh được nắng nóng. Hơn nữa, cây điền thanh dùng làm phân bón cho chè sẽ giảm đáng kể kinh phí về phân bón mà người nông dân ở đây phải bỏ ra để duy trì sự phát triển của chè.


Hiện nay, ở Tây Cốc, cây điền thanh được trồng với diện tích lớn, nhất là với diện tích chè còn nhỏ. Với cách làm này,  trong những năm qua, cây chè ở Tây Cốc sinh trưởng và phát triển tốt, cho tỷ lệ chè búp tươi cao, nhờ đó, người nông dân ở Tây Cốc có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

 

 

Nguyễn Thế Lượng