Cả khuôn viên gồm vườn rừng, trang trại và khu nhà điều hành được anh Sáng xây dựng trên phần diện tích của khu đất đồi rộng hơn 20 ha. Tổng diện tích chuồng nuôi 10.000 m2 với hơn 2.000 con lợn, mỗi khu chuồng bao gồm đầy đủ hệ thống điều hòa hai chiều, quạt gió để giữ cho nhiệt độ trong chuồng ở mức lý tưởng từ 23- 28o C; khu vực xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, việc vệ sinh được thực hiện thường xuyên, phân thải cũng được tách riêng, chất thải lỏng được xử lý tại bể, chất thải rắn được thu gom đúng quy định.

Anh Sáng cho biết, năm 2016, khi bắt tay xây dựng chuồng trại chăn nuôi thì giá lợn hơi xuống đáy, anh vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình và người thân. Bản thân anh cũng thấy lo lắng, dao động trước những biến động khó lường của thị trường. Bà Nguyễn Hải Phượng, mẹ anh Sáng cho hay: "Thời điểm đó trong làng mọi người đem lợn con đi cho không ai lấy mà lại thấy con trai đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn tôi lo lắm, nhưng góp ý không được nên đành chịu".

Ban đầu anh chỉ tính xây chuồng chăn nuôi lợn nái để kinh doanh lợn con, xây dựng chuồng trại xong anh đầu tư mua 160 con lợn nái đạt tiêu chuẩn tại trại giống của Công ty GreenFeed về nuôi. Tổng số tiền anh đầu tư cho trang trại đã hơn 4 tỷ đồng. Lứa lợn con đầu tiên ra đời vào tháng 11/2016. Lúc đó lợn con đang có giá 200.000 - 300.000 đồng/con, nếu bán lợn con với giá này lỗ lớn nên anh quyết định đầu tư xây thêm dãy chuồng nuôi lợn thịt. Nhưng giá lợn thịt vẫn đang ở mức thấp, càng nuôi càng lỗ bởi giá cám không giảm mà lợn phải ăn hàng ngày. Anh tìm hiểu công thức phối trộn cám từ những nông sản có sẵn tại địa phương như: lúa, ngô, đỗ, dầu cá và một phần nhỏ cám vi lượng nghiền thành cám pha trộn theo công thức riêng của từng độ tuổi của lợn. Với cách làm như vậy giá thành giảm khoảng 1.000 đồng/kg cám so với cám viên tổng hợp. Thời điểm gia đình anh bắt đầu có lợn thịt xuất bán, giá thịt là 28.000 đồng/kg, với cách phối trộn cám để chăn nuôi lợn thì trang trại hòa vốn, chỉ cần giá lợn tăng lên đến 30.000 đồng/kg là đã có lãi, nhưng đối với các hộ chăn nuôi dùng cám cộng nghiệp thì giá lợn ở mức đó vẫn bị lỗ nặng.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm an toàn, năm 2017 anh đã đăng ký chăn nuôi theo quy trình VietGAP và được Công ty TNHH công nghệ NHONHO cấp chứng chỉ công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩnVietGAP.

Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Ngọc Sáng tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương


Hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn của anh Sáng có hơn 2.000 con lợn, trong đó có 180 con lợn nái, hơn 1.800 lợn thịt, bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất hơn 40 tấn lợn thịt, với giá bán hiện nay là 45.000 đồng/kg trừ chi phí anh thu lãi khoảng hơn 400 triệu đồng. Trang trại tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương trung bình 6- 8 triệu đồng/người/tháng.

Nuôi lợn theo quy trình VietGap được đánh giá tốn nhiều công hơn so với phương pháp truyền thống bởi đòi hỏi rất khắt khe từ địa điểm bố trí khu chăn nuôi; chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi; giống và quản lý chăn nuôi; vệ sinh, thức ăn của vật nuôi. Hàng ngày đều phải ghi nhật ký chi tiết, theo dõi mọi diễn biến cũng như những tác động của con người tới vật nuôi, bù lại đã giúp người nuôi kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng./. 

Trần Thị Thường

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang