Cơ ngơi trang trại với quy mô trên 1.400 gà đẻ, 16 con bò, 300 cây bưởi, 100 cây na và một nhà xưởng sản xuất hầm khí biogas composite là thành quả của anh Nguyễn Thành Hưng cùng gia đình qua bao khó khăn, vất vả.

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Hưng cho biết, năm 1989 anh kết hôn với chị Trần Thị Liên. Hai vợ chồng đều không thoát ly, chỉ làm nông nghiệp với mấy sào ruộng cấy không đủ công ăn việc làm nên lúc mùa vụ nông nhàn anh tranh thủ làm thêm nghề thợ xây kiếm tiền chăm lo cho gia đình.

Năm 2011, phong trào sử dụng bể khí sinh học biogas trong chăn nuôi phát triển khá mạnh. Do biết chút nghề xây dựng cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, anh được đi học lớp kỹ thuật sản xuất - lắp đặt bể biogas. Sau khi học xong anh về mở xưởng sản xuất nhỏ tại gia đình và kiêm luôn dịch vụ lắp đặt bể khí biogas khi hộ chăn nuôi có nhu cầu. Với quy mô xưởng nhỏ lẻ và mặt bằng sản xuất hạn chế nên thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày của gia đình, không có tiền để tích lũy vốn. Do hay đi lắp đặt hệ thống biogas cho các cơ sở chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, anh nhận thấy việc đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại là một hướng đi phù hợp, bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều đêm suy nghĩ lựa chọn cây trồng, vật nuôi nhằm phù hợp với đồng đất và thị trường tiêu dùng, đồng thời tính toán cân đối vốn hiện có của gia đình để lên kế hoạch cụ thể. Đầu năm 2015, được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè động viên giúp đỡ; anh quyết định mua gần 2 ha đất bạc màu, cách xa khu dân cư thuộc xóm 16, xã Nhữ Hán để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp với quy mô vừa đủ sức cho 2 vợ chồng anh quản lý, gồm: 01 gian nhà tạm để ở và 2 gian xưởng làm nơi sản xuất bể biogas, 01 dãy chuồng nuôi gia cầm, 01 dãy chuồng nuôi gia súc và công trình phụ trợ. Phần đất còn lại anh Hưng bố trí trồng 300 cây bưởi, 100 cây na và dành khoảng 3.000m2 để trồng cỏ làm thức ăn thô xanh cho gia súc, gia cầm. Đầu năm 2018 anh trồng thay thế lại toàn bộ vườn cỏ bằng giống cỏ voi mới Pakchong1.

Là người có đam mê với trang trại, anh dành nhiều thời gian đến những hộ làm nông nghiệp có hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Khuyến nông tổ chức, đồng thời tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả và kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm... làm cẩm nang áp dụng vào phát triển trang trại.

Khi đã xác định rõ được loại cây trồng và vật nuôi phù hợp, hai vợ chồng anh cùng nhau chăm sóc và hy vọng sẽ tới ngày cây và vật nuôi không phụ công người... Vụ nuôi năm 2016 đến giữa năm 2017, sau khi xuất bán lứa gà thịt và dê, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lợi cả trăm triệu đồng. Hiện tại trang trại của gia đình anh đang nuôi 8 cặp bò lai Sind và trên 1.400 con gà bắt đầu chu kỳ đẻ, trung bình 600 - 700 quả trứng/ngày, với giá bán 3.000-3.500 đồng/quả thu về khoảng 2,2 - 2,4 triệu đồng/ngày. Do chủ động được nguồn phân từ chất thải chăn nuôi đem ủ hoai mục bón cho cây ăn quả và cỏ Pakchong 1 nên cây sinh trưởng và phát triển xanh tốt, năng suất cỏ tăng cao cung cấp đủ lượng thức ăn cho đàn bò. Anh Hưng nhẩm tính và cho biết: Nếu thuận lợi, không bị thiên tai và dịch bệnh gây hại, dự kiến sang năm bưởi và na sẽ cho thu quả. Các sản phẩm từ chăn nuôi gà đẻ và bò, với giá cả thị trường ổn định thì năm 2018 cho thu nhập trên 200 triệu đồng từ tiền bán bê, trứng gà và dịch vụ lắp đặt bể biogas.  

Anh Hưng chăm sóc đàn gà của gia đình

Anh Hưng chia sẻ thêm về bí quyết thành công trong nuôi gà đẻ, đó là ngoài  việc cho gà ăn uống đầy đủ, công tác tiêm phòng dịch bệnh đúng quy trình kỹ thuật, muốn gà đẻ nhiều, trứng to thì khâu chọn giống là then chốt. Đối với bò sinh sản nên chọn mua giống bò lai Sind vừa có thể trạng to, khỏe, khối lượng thịt xẻ cao, phù hợp với quy mô gia trại và khí hậu địa phương.

Ông Trần Văn Dụ - Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết: Mô hình trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả gắn với chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Thành Hưng tuy thu nhập chưa cao so với một số trang trại chăn nuôi lớn trong và ngoài tỉnh, nhưng so với thu nhập chung của các hộ trên địa bàn xã Nhữ Hán thì đây là mô hình kinh tế điển hình mang tính bền vững, cho thu nhập ổn định và thân thiện với môi trường. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế từ trang trại tổng hợp của gia đình, anh Hưng còn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương chính sách của nhà nước và địa phương nơi cư trú, tham gia đầy đủ những hoạt động xã hội do địa phương phát động, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi và trồng cây ăn quả với bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. Có thể nói, anh Hưng là một trong những người mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã, góp phần xây dựng xã Nhữ Hán ngày càng giàu mạnh./.

Nguyễn Mạnh Tường 

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang