Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi thấy mình nói giọng miền Nam, anh Hà cười vang rồi chia sẽ: Anh có quê gốc ở xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) nhưng lại sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Năm 1992, trong một chuyến thăm quê kết hợp đi tìm mộ đồng đội cùng bố, nhận thấy vùng khe Bướm Bạc, thuộc địa bàn xã Hải Chánh, cách trung tâm xã hơn 10 km về phía Tây Nam, có rất nhiều diện tích đồi núi bỏ hoang đang nằm trơ trọc chẳng ai thèm ngó ngàng. Nhận ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở về Phú Quốc, anh bàn với bố rồi bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược dắt díu nhau về quê lập nghiệp. Ổn định cuộc sống xong, hai bố con anh tìm đến UBND huyện Hải Lăng xin được cấp đất trồng rừng. “Lúc đó ở Quảng Trị mình đã có ai trồng rừng đâu. Việc nhận đất rừng chỉ cho thu nhập là khoản tiền hỗ trợ hàng năm cho việc khoanh nuôi, bảo vệ, vì thế nhiều hộ không muốn nhận đất rừng. Khi nghe tôi trình bày dự án của mình xong, UBND huyện quyết định cấp ngay cho hai bố con tôi 500 ha để trồng rừng”, anh Hà cho hay.

Khi mới bắt tay vào trồng rừng, hàng xóm láng giềng ai cũng bảo anh có vấn đề, ai đời lại đem tiền đi ném vào đất hoang, có nhà không ở lại dắt díu nhau lên rừng sống. Anh Hà cho biết: Để có vốn đầu tư, vợ chồng anh đã cầm cố hết tài sản của gia đình, vay mượn thêm anh em họ hàng. Không chỉ khó khăn về vốn mà vùng đất vợ chồng anh nhận trồng rừng lúc đó còn khô cằn, cách xa nơi ở, không có đường đi nên việc khai hoang đất trồng rừng đều dựa vào sức người. Nhiều hôm trời mưa to, nước dưới khe dâng lên không về được, anh phải ngủ lại giữa rừng, kiếm khoai kiếm sắn nướng lên để qua bữa. Việc vận chuyển cây giống, phân bón chủ yếu bằng thuyền hoặc gùi cõng, đất đai cằn cỗi, nhiều chỗ cỏ tranh khỏa lấp nên cây trồng khó sống được. Cùng với đó là thiên tai, nắng nóng, bão lũ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng… Lúc bấy giờ, anh có cảm giác như tất cả mọi thứ đang “chống lại” việc trồng rừng của mình. Không nản chí, với quyết tâm thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình, cũng như xóa đi sự hoài nghi về con đường làm giàu chính đáng trên vùng đất được cho là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở nơi chôn nhau cắt rốn, đã tạo động lực giúp anh vượt qua mọi thử thách.

Để nắm vững kỹ thuật, anh tìm đến Hạt Kiểm lâm huyện để học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và học thêm kinh nghiệm trồng rừng ở các tỉnh lân cận. Một may mắn đến với gia đình anh là vào thời điểm này các chương trình trồng rừng như PAM, 327 ra đời như tiếp thêm sức mạnh cho anh. Để chủ động về cây giống, anh tự mày mò học hỏi kỹ thuật ươm cây rồi tìm mua hạt giống về tự ươm. “Không biết thì đi học, tôi lặn lội khắp nơi tìm gặp những người đi trước trong nghề trồng rừng học hỏi kinh nghiệm. Tôi nhất định không bỏ xót một lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng nào. Tôi mê rừng đến nỗi nhận tiền hỗ trợ phát thực bì về, tôi không đưa cho vợ mà đem đi mua hạt giống về ươm cây. Cứ vậy dần mở rộng rừng của mình”, anh Hà cho biết.

Đất không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng bạch đàn, keo lai nhỏ bé ngày nào cũng vượt lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt. Bắt đầu trồng từ năm 1994, đến năm 2000, anh bắt đầu thu hoạch 20 ha bạch đàn, trừ chi phí, anh lãi được 30 triệu đồng. Cầm những đồng tiền đầu tiên từ rừng mang lại mà 2 vợ chồng anh ôm nhau khóc. “30 triệu đồng lúc đó to lắm. Chú cứ tưởng tượng thế này, lúc đó tiền công trồng rừng chỉ có 8.000 đồng/ngày, vậy mà tôi cầm trong tay chừng đó tiền. Lúc này tôi mới dám khẳng định là sỏi đá dưới chân tôi đã biến thành cơm”, anh Hà hồi tưởng.

Gần 25 năm trôi qua, anh Hà đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình vào những cánh rừng. Từ 1 thanh niên chưa đầy 21 tuổi chỉ có trong tay nhiệt huyết của tuổi trẻ, giờ anh đã có trong tay hơn 157 ha rừng trồng. Mồ hôi và cả máu của anh Hà đổ xuống giờ đã đơm hoa kết trái, biến những vùng đồi hoang vu ngày nào thành những cánh rừng xanh ngắt. Không những thế, để chủ động trong việc trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng, anh đã đầu tư mua 1 máy múc, 3 ô tô tải loại 9 tấn, 1 ô tô chuyên dùng để phòng cháy chữa cháy và một số máy móc khác. Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế từ rừng keo lai của mình, anh Hà khẳng định chắc nịch, mỗi ha keo lai cho lãi khoảng 70 triệu đồng sau 6 - 7 năm trồng, chăm sóc. Thấy chúng tôi lấy con số lãi trung bình là 70 triệu đồng/ha nhân với 157 ha rừng ra mức thu nhập “khủng” cỡ 11 tỉ đồng mỗi năm, anh Hà lắc đầu cười vang và bảo rằng đó chỉ là cách tính số học thuần túy, chuyện làm ăn không dễ dàng như vậy. Rồi anh phân tích: Thực tế, để có một diện tích lớn rừng trồng thì nguồn lực đầu tư không hề nhỏ. Vấn đề là việc thu hồi vốn phải đảm bảo ổn định, lâu dài. Theo đó, diện tích rừng của anh tăng dần sau mỗi năm chứ không phải có ngay một lúc. Bắt đầu từ năm 2000, mỗi năm gia đình anh khai thác 20ha, rồi lại tiếp tục trồng mới trên diện tích vừa khai thác. Trong quãng thời gian trồng lại rừng, những diện tích rừng trồng các năm trước sẽ cho thu hoạch liền kề, cứ theo kiểu cuốn chiếu như vậy, việc trồng mới và khai thác sẽ diễn ra liên tục trong các năm, không chỉ đảm bảo về công ăn việc làm mà ổn định cả về thu nhập.

Trung bình mỗi ha keo lai cho lãi khoảng 70 triệu đồng/năm sau 6 - 7 năm trồng.

Anh Hà nhẩm tính: Trung bình mỗi ha keo lai đến chu kỳ khai thác (sau 6 – 7 năm trồng), nếu chăm sóc đúng quy trình sẽ cho năng suất khoảng 180 tấn gỗ nguyên liệu. Trừ chi phí trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Cứ thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, với khoảng 20 ha rừng khai thác hàng năm, bình quân anh thu lãi ròng khoảng 1,3 tỷ đồng. “Tôi mới xây căn nhà này hơn 3 tỷ đồng, mua thêm chiếc xe Fortuner này để chủ động trong việc đi lại liên hệ tiêu thụ gỗ. Tất cả là nhờ rừng cả đấy”, anh Hà vui vẻ chia sẻ.

Ngoài thu nhập chính từ rừng, trong 4 năm trở lại đây, anh còn mạnh dạn đầu tư trồng 1.200 gốc hồ tiêu theo công nghệ mới trên vùng gò đồi với diện tích 1,5 ha. Với mô hình này, anh tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai và phân Obi Ong biển để bón cho cây. Hàng năm vườn tiêu cho sản lượng từ 1,1 – 1,7 tấn. Các sản phẩm tiêu đỏ, tiêu trắng của anh được bán với giá từ 130 – 220 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, hiện nay được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh còn tiếp tục thuê thêm 0,4 ha đất đồi và đầu tư gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng mô hình trồng tiêu sạch. Với diện tích này, anh làm trụ tiêu bằng cọc bê tông, dàn lưới che chống nắng, hệ thống tưới tự động và trồng 800 gốc tiêu giống Srilanca mua từ Campuchia. Theo anh Hà, ưu điểm của giống tiêu này là năng suất rất cao, trồng ở các tính phía Nam năng suất đạt tới 25 – 30 kg/cây; chịu được khí hậu nắng hạn, mưa lạnh. “Hiện tôi đang cùng với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu tiêu sạch Hải Chánh”, anh Hà tiết lộ.

Một góc vườn tiêu 1.200 gốc của anh Cáp Quốc Hà

Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; 50 – 60 lao động thời vụ với thu nhập từ 250 – 400 ngàn đồng/người/ngày. Anh còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân gặp khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho trên hàng chục hộ tại địa phương và các vùng lân cận. Đồng thời, tích cực vận động bà con nhân dân trong vùng tham gia bảo về rừng và làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng.

Với những thành công của mình, anh Cáp Quốc Hà đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp… tiêu biểu như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  năm 2017 do đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2016 do đã có nhiều thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi giúp nhau giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2016”. Mới đây nhất, anh vừa được vinh danh là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhất tại Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2018.

Thục Quyên