Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Sóc, ngay từ nhỏ chị Nguyễn Thu Thoan, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội đã có một tình yêu nông nghiệp cháy bỏng. Không giống những bạn bè khác, khi học xong cấp 3, chị Thoan không chọn thi vào những trường để sau này ra làm kỹ sư, bác sĩ, giáo viên mà lại chọn nghề chăn nuôi thú y là hành trang cho riêng mình. Năm 2002, cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội trong tay, chị đã xin vào làm công nhân kỹ thuật cho trang trại chăn nuôi lợn Lương Minh Thảo – một trại lợn nái lớn nhất nhì huyện Sóc Sơn lúc bấy giờ. Đến năm 2006, sau 4 năm rèn nghề tại trại, chị đã đủ tự tin để mở cho mình 1 quầy thuốc thú y và đi tư vấn điều trị cho các trang trại trong vùng. Qua quá trình điều trị, tư vấn cho các trang trại, chị nhận thấy việc chăn nuôi an toàn sinh học rất cần thiết và là xu thế tất yếu nhưng bà con chăn nuôi trong vùng lại không áp dụng. Sau khi chứng kiến những cơn “bão giá" gà, lợn vào năm 2016, 2017 làm bao trang trại chăn nuôi điêu đứng, chị đã quyết định đi tiên phong trong việc chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học. Mất chừng 6 tháng để chị hiện thực hoá ý tưởng của mình, từ thuê trại chăn nuôi, mua giống men vi sinh, làm đệm lót sinh học, xây dựng công thức phối trộn khẩu phần thức ăn, rồi vào gà, tìm kiếm đầu ra...

Lứa gà đầu tiên chị nuôi 1.500 con và đã chứng minh được ưu điểm vượt trội của chăn nuôi an toàn sinh học. Đó là tỷ lệ hao hụt thấp, gà ít bị bệnh hô hấp, gần như không cần sử dụng kháng sinh để điều trị, tỷ lệ đồng đều cao và đặc biệt chất lượng thịt gà đã chinh phục được nhiều chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch cũng như người tiêu dùng. Ngay lứa gà đầu tiên, sau khi trừ mọi chi phí, chị cũng thu về được gần 40 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, nhiều doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch bắt đầu tìm đến chị để đặt hàng. Lúc này, việc mở rộng quy mô chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ để đáp ứng nhu cầu thị trường là điều chị Thoan tính đến. Thế là song song với việc nâng quy mô chăn nuôi lên 3.000 con gà/lứa, chị Thoan lại mày mò tìm hiểu và xây dựng hồ sơ pháp lý, hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thịt gà an toàn sinh học của mình. Không dừng lại ở đó, chị cũng tích cực tư vấn cho một số thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp miền Bắc để cùng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Kết quả có 5 trang trại đã hưởng ứng và bước đầu đạt được những thành công.

Một góc trang trại chăn nuôi của chị Nguyễn Thu Thoan

Không chỉ chăn nuôi gà, đầu năm 2019, chị Thoan còn mạnh dạn chăn nuôi thêm gần 100 con lợn đặc sản là các giống: lợn Hương, lợn Mán và lợn rừng lai. Tất cả đều được nuôi trên nền đệm lót sinh học, thức ăn là cám ngô, cám gạo, bột đậu tương, các loại rau, củ quả có sẵn trong trại. Với quy trình chăn nuôi khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh dịch bệnh, đàn lợn của chị Thoan đến nay vẫn vững vàng trước “cơn bão” mang tên dịch tả lợn Châu Phi, dù nhiều trang trại xung quanh đã bị “bão dịch quét sạch”.

Không ngần ngại, chị Thoan cho chúng tôi biết: “Ưu thế của chăn nuôi an toàn là rất rõ rệt, bằng chứng là đến nay đàn vật nuôi của tôi vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, giá bán ổn định ở mức cao. Bình quân mỗi lứa gà 3.000 con cho lợi nhuận từ 110 - 120 triệu đồng, chưa kể đến khoản thu khoảng 20 triệu đồng từ bán nền đệm lót sinh học sau mỗi lứa chăn nuôi cho các cơ sở trồng rau hữu cơ, cây ăn quả trong và ngoài thành phố”.

Chị Thoan cũng chia sẻ khó khăn nhất bây giờ của chị là thuê được một nơi để mở trang trại chăn nuôi lâu dài, ổn định và chị sẽ nâng quy mô chăn nuôi lên 10.000 con gà/lứa, khoảng 200 con lợn thịt đặc sản. Đồng thời chị sẽ vận động nhiều thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp miền Bắc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sẽ hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc cũng như đăng ký sở hữu trí tuệ quy trình chăn nuôi tại trang trại của chị.

Với cách thức chăn nuôi, kế hoạch phát triển phù hợp và một sự quyết tâm, lòng yêu nghề, chúng tôi tin rằng một ngày không xa chị Thoan sẽ thành công với dự định của mình, đồng thời là nguồn lan tỏa việc làm tốt, cách làm hay cho mọi người xung quanh học tập.

Đỗ Danh Lãnh

Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội