Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của cả gia đình chủ yếu chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, con cái đang tuổi ăn học, ăn chẳng đủ no chứ nghĩ gì tới có tiền cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Vì thế con cái anh chị cũng chỉ học để biết cái chữ chứ anh chị chưa có ý định đầu tư học tập cho con.

Thông qua xem các chương trình truyền hình, qua sách báo, anh đã thấy những gia đình làm kinh tế giỏi, mà xuất phát điểm ban đầu họ cũng là những nông dân nghèo khó, làm chẳng đủ ăn, cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau. Anh chị tự hỏi “họ làm được sao mình không làm được”. Từ suy nghĩ đó, anh quyết tâm phải tìm mọi cách thoát nghèo từ chính mảnh đất quê mình. Anh bắt đầu đi tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế ở các xã và các huyện lân cận, càng đi nhiều anh càng nhận thấy chỉ có học tập giỏi giang, có công việc ổn định mới nhàn, mới giàu được. Vậy là anh quyết tâm làm giàu để có tiền cho con anh chị được học hành như thế.

Đầu năm 2006, vợ chồng anh bàn nhau mạnh dạn đầu tư ít vốn mua cây cam sành giống về trồng trên diện tích đồi vườn của gia đình. Anh chị đã không ngừng học hỏi kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của những hộ đã trồng để áp dụng vào gia đình mình. Cây đã không phụ lòng người, đến năm 2009 anh chị đã bắt đầu được thu những lứa cam đầu tiên, đến năm 2014, với 1,5 ha cam đã đem về cho gia đình anh nguồn thu hơn 150 triệu đồng.

Năm 2009, nhận thấy quỹ đất rừng nhà mình có nhiều, thường ngày vẫn bỏ hoang cây cỏ dại mọc um tùm, anh lại nghĩ đến việc đưa các giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào trồng. Ban đầu, do sức người có hạn, anh chị mới chỉ cải tạo được 2 ha đồi rừng để trồng bồ đề, bởi đây là giống cây được thu nhanh mà dễ trồng. Nhìn thấy diện tích rừng sau trồng cây phát triển xanh tốt, đem lại nguồn động lực cho vợ chồng anh. Năm sau anh chị lại tiến hành trồng tiếp 6 ha còn lại bằng những giống cây keo, bồ đề. Chỉ tính riêng năm 2014, với 2 ha bồ đề trồng ban đầu đã đem về cho anh chị nguồn thu hơn 150 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế đồi rừng, anh chị nhận thấy thị trường tiêu thụ gà ta thả đồi là rất lớn và ổn định. Do vậy anh chị lại bàn nhau đầu tư thêm vào nuôi gà thịt. Ngay từ những ngày đầu chăn nuôi gà, anh luôn nhận được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông từ khâu làm chuồng trại, chăm sóc đến công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng nên đàn gà của gia đình anh không mắc phải các dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, gia đình anh chỉ dùng chủ yếu là ngô, sắn và thóc,… làm thức ăn cho gà nên chất lượng gà thịt của gia đình anh luôn được các thương lái tin tưởng và tìm mua. Chỉ tính riêng năm 2014, gia đình anh xuất bán gần 500 con, sau khi trừ chi phí anh chị cũng thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Ngoài ra, với 1,5 ha chè đang ở thời kỳ kinh doanh mỗi năm anh chị cũng thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Anh Phùng tâm sự, làm nghề nông có cái khó nhưng cũng có cái dễ riêng của nó. Cái khó là anh chị phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới, tiên tiến. Nhưng có cái dễ là đất đai anh chị có sẵn, lại được thêm sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông nên anh chị lúc nào cũng có nguồn thu, thế là vui lắm rồi. Niềm vui lớn nhất của anh chị hiện nay là đã lựa chọn đúng hướng, kinh tế phát triển, ổn định. Còn gì vui hơn khi mà cuộc sống gia đình đầy đủ, sung túc, cả gia đình đều mạnh khỏe, con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, thành tài.

Nhờ kiên trì, chịu khó, quyết tâm thoát nghèo trên mảnh đất quê mình, giờ đây gia đình anh đã được xếp vào diện khá giả của xóm, con cái anh chị đã được ăn học đến nơi đến chốn. Đứa con đầu của anh chị hiện nay đang theo học năm cuối của trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, và trong tương lai sẽ là 1 cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ. Đứa con thứ của anh chị đang học lớp 12, với những ngày tháng cuối cấp này, em cũng đang rất cố gắng học tập để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.

Hoàng Thị Hiền

Trạm khuyến nông huyện Văn Chấn, Yên Bái