Nhiều năm nay, cũng như nhiều nông dân khác trong xã Đại Lịch của huyện Văn Chấn, gia đình anh Tạ Khắc Hùng ở thôn 6 Đồng Mè chủ yếu sống bằng nghề trồng cây lâm nghiệp. Trong số 4 ha rừng hiện có của gia đình thì 2 ha được trồng bằng giống keo tai tượng. Diện tích này được trồng với mật độ 2.200 cây/ha để phát triển thành rừng gỗ lớn. Trong những năm qua, gia đình anh thường xuyên được cán bộ kiểm lâm của huyện và kiểm lâm địa bàn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng. Bên cạnh đó, anh và gia đình cũng chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng rừng của những người đã trồng rừng lâu năm, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên diện tích rừng của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt. Từ trồng rừng, đời sống kinh tế của gia đình anh Hùng ngày càng vững chắc.

Đại Lịch là xã vùng 2 của huyện Văn Chấn với trên 1.100 hộ, gần 4.500 nhân khẩu. Gần 60% dân số là người Tày, người Dao. Một trong những thế mạnh của Đại Lịch là kinh tế đồi rừng. Ông Phạm Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho biết: Ngoài diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất giao cho 8 tổ quản lý, xã còn có trên 500 ha rừng kinh tế. Hàng năm nhân dân trên địa bàn xã khai thác trên 2.500m3 gỗ nguyên liệu chế biến, thu về hàng tỷ đồng. Không ít hộ có vài ba chục ha rừng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Nhận rõ nguồn lợi mang lại từ kinh tế rừng, người dân luôn tích cực trồng và chăm sóc rừng. Vì vậy mà nhiều gia đình hiện đang có của ăn, của để từ phát triển kinh tế rừng.

Tại thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, nơi có thế mạnh để phát triển kinh tế từ cây chè và cây ăn quả trong nhiều năm qua cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi. Gia đình chị Phạm Thị Vân ở khu 4B - thị trấn nông trường Nghĩa Lộ có 5000m2 chè. Chị Vân cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng bằng giống chè trung du nên năng suất không cao lắm. Khi tỉnh Yên Bái có chủ trương vận động nông dân cải tạo thay thế giống chè cũ bằng giống chè lai LDP, tôi và gia đình đã đã mạnh dạn cải tạo toàn bộ diện tích chè của gia đình. Đến nay, diện tích chè của gia đình tôi cho năng suất trung bình từ 25-30 tấn/ha. Năm nay, chè vừa được mùa lại trúng giá nên đời sống kinh tế của gia đình tôi được nâng lên”.

Hiện nay, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ đã xây dựng được mô hình sản xuất chè tập trung với trên diện tích trên 530 ha. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 7000 tấn, giá trị ước đạt 200 tỷ đồng. Nhiều gia đình có từ 2 đến 3 ha chè, thu nhập bình quân mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Bên cạnh cây chè, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Gần đây, thị trấn đã khuyến khích nông dân phát triển trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, mận, xoài, nhãn ghép tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân trên địa bàn.

Trước đây, mặc dù diện tích đất rộng nhưng gia đình anh Trần Bá Đức ở tổ dân phố 6A thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn chỉ trồng một ít cây ăn quả như na, mận, đào, vì thế hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi đi tìm hiểu thực tế một số nơi, thấy cây thanh long dễ trồng, đầu tư không nhiều mà hiệu quả kinh tế cao, có thể phù hợp với mọi đồng đất nên từ năm 2012, anh Đức bắt đầu mua giống về trồng thử nghiệm 60 gốc thanh long. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên sau 2 năm, cây thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch. Lứa quả đầu tiên thắng lợi ngoài sức tưởng tượng đã tiếp thêm sức mạnh để anh Đức mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2013, sau khi có Dự án trồng thanh long ruột đỏ của huyện Văn Chấn triển khai thí điểm trên địa bàn thị trấn, anh Đức mạnh dạn đăng ký để mở rộng diện tích của gia đình. Sau 2 năm những gốc thanh long trồng mới cũng đã cho lứa quả đầu tiên. Từ 60 gốc thanh long ban đầu, đến nay gia đình anh Đức đã có hơn 600 gốc thanh long ruột đỏ.

Anh Đức chia sẻ: “Năm 2016, gia đình tôi thu gần 4 tấn quả, trừ chi phí cũng lãi trên 200 triệu đồng. Từ tháng 5 năm 2017 đến nay, gia đình tôi đã thu được trên 220 triệu đồng từ bán quả thanh long đỏ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tôi còn được thu hái 2 lứa quả nữa. Ngoài thanh long, tôi còn trồng thêm một số loại cây ăn quả khác mỗi năm cũng cho thu vài chục triệu đồng”.

Mỗi năm thu vài trăm triệu đồng từ trồng cây ăn quả, chủ yếu là thanh long ruột đỏ, anh Đức được nhiều người biết đến như một điển hình làm kinh tế giỏi. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, anh Đức cũng đã phải bỏ nhiều công sức, tiền của để đầu tư cho vườn cây ăn quả, đồng thời tự học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất .

 Có thể nói trong thời gian qua, huyện Văn Chấn đã và đang tích cực nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững nhằm thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Bạch Liên

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái