Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục tăng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chưa được như mong đợi của Chính phủ là giữ được mức tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp cả năm 2,9% như năm trước, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% của cả nền kinh tế. Để đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2014, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của ngành nông nghiệp sẽ vô cùng nặng nề, rất cần sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị.

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 2,36%, mức này cao hơn năm 2013 (đạt 2,14%), nhưng lại thấp hơn so với 2014 (2,9%);  giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại buổi họp, nhiều câu hỏi của các nhà báo xoay quanh các nội dung như số xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; làm thế nào để phát triển thương hiệu lúa gạo; những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất cây trồng biến đổi gen; Nghị định 67; các loại phí, lệ phí trong chăn nuôi… đã được Bộ trưởng giải đáp thỏa đáng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết,  trong 6 tháng cuối năm Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra 09 nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất từ nay đến cuối năm. Trong đó lưu ý 03 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể:

1. Rà soát lại các chuỗi giá trị có thị trường, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân đẩy mạnh phát triển kinh doanh. Đối với lúa gạo, tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo có chất lượng cao hơn để tiêu thụ trong nước; đồng thời theo dõi diễn biến thị trường thế giới và phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn sản xuất vụ lúa thu đông với quy mô lớn hơn, đáp ứng của thị trường thế giới. Bộ trưởng lưu ý, vụ lúa thu đông thường cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và được giá hơn so với các vụ khác, trong điều kiện các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn về hạn hán.  

2.  Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, làm đầu tàu thúc đẩy chuỗi giá trị đối với các nông sản chủ lực. Đây là nhóm giải pháp trọng tâm. Để có hiệu quả cao hơn, Bộ sẽ tổng rà soát để giảm tối thiểu các loại phí, lệ phí. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát các loại phí, lệ phí. Cụ thể, tập trung vào rà soát, đơn giản hóa, giảm tối đa các loại phí, cắt bỏ thủ tục hành chính, công khai hóa, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện thủ tục công trực tuyến, giảm tối đa thời gian công sức tiền bạc của doanh nghiệp và người dân.

3. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm duy trì và mở rộng xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo với các tổng cục, cục, vụ làm việc với từng thị trường cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho nông sản trong nước có thể xâm nhập vào các thị trường. Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiều hiệp định tự do thương mại sẽ tiếp tục được ký kết, tinh thần của các hiệp định hầu hết là giảm thuế, nhưng vướng mắc nhất hiện nay ở các thị trường là các rào cản về kỹ thuật về kỹ thuật và thủ tục hành chính. Để tháo gỡ được các rào cản đó, chúng ta cần làm việc cụ thể với từng thị trường, trong đó, trong 6 tháng cuối năm bên cạnh việc tăng cường mở cửa thị trường với thủy sản, các sản phẩm trồng trọt thì một trong những trọng tâm là mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi.

 Thanh Thúy