Mô hình trồng lạc thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi sử dụng chế phẩm Trichoderma tại thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu vụ hè thu 2015

Để góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân trong huyện, bên cạnh việc đưa những giống lạc mới ít nhiễm sâu bệnh, có năng suất chất lượng cao thay dần những giống cũ, thoái hóa..., vụ hè thu năm 2015, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Định đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông Hoài Nhơn thực hiện mô hình "Trồng lạc thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi sử dụng chế phẩm Trichoderma" tại cánh đồng Vườn Keo, thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu.

Sau 03 tháng triển khai, mô hình đã thu được kết quả rất tốt. Thời gian sinh trưởng của lạc 90 ngày. Năng suất ruộng mô hình đạt 30,8 tạ/ha, cao hơn 6,6 tạ/ha so với đối chứng (24,2 tạ/ha). Bên cạnh đó, mức độ nhiễm một số bệnh hại chính trong mô hình cũng giảm đáng kể so với ruộng ngoài mô hình. Một số bệnh như héo xanh vi khuẩn, bệnh thối thân, thối quả hầu như không xuất hiện. Tỷ lệ chết cây do nấm, vi khuẩn gây ra giai đoạn từ kết thúc lứa hoa đầu tiên đến giai đoạn vào chắc giảm đáng kể (giảm 8%)  so với ruộng ngoài mô hình.

Về hiệu quả kinh tế, mô hình được thực hiện trên chân đất lúa kém hiệu quả tại Hoài Châu: đạt lợi nhuận 1.083.500 đ/sào/vụ tăng 839.500 đ/sào/vụ so ruộng trồng lạc đối chứng (không sử dụng Trichoderma), tăng 883.500 đ/sào/vụ so với ruộng trồng lúa ngoài mô hình trên cùng cánh đồng.

Về hiệu quả xã hội, mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên vùng đất lúa sản xuất kém hiệu quả tại xã Hoài Châu; tiết kiệm nước tưới, góp phần giúp cho các hồ đập thủy lợi của xã cân đối được nguồn nước tưới/năm và dự trữ được nguồn nước chống hạn trong trong vụ sau.

Mô hình đã tạo được điểm đến cho nông dân tham quan học tập, sản xuất và nhân rộng theo qui hoạch chuyển đổi cây trồng cạn của xã trong thời gian tới. Ngoài ra, mô hình còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu thị trường.

Để mô hình thâm canh lạc có sử dụng Trichorderma trên đất lúa chuyển đổi được nhân rộng tại các vùng sản xuất cây trồng cạn, các địa phương cần qui hoạch vùng và có chính sách chuyển đổi cơ cấu trồng lạc trên đất lúa chân cao thiếu nước, để tăng hiệu quả kinh tế, cải tạo đất, tăng độ phì; ứng dụng chế phẩm Trichoderma để phòng trừ các loại bệnh gây hại rễ cây lạc. 

Võ Nguyễn Bích Thủy

Trung tâm KNKN Bình Định