Mục tiêu của dự án là tăng năng suất, giải phóng sức lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp trong lúc thời vụ, đảm bảo kịp thời vụ, giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Dự án được triển khai với các loại máy: máy gặt đập liên hợp GĐLH-1000, máy làm đất đa năng 1Z-41A (1WGQ4-2). Địa điểm thực hiện như sau:

 

- Năm 2011: 05 máy làm đất đa năng được triển khai tại xã Yên Cư, 01 máy gặt đập liên hợp được triển khai tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới;

 

- Năm 2012: 05 máy làm đất đa năng được triển khai tại xã Thanh Bình, 01 máy gặt đập liên hợp được triển khai tại xã Yên Cư, huyện Chợ Mới;

 

- Năm 2013: 01 máy gặt đập liên hợp được triển khai tại xã Cốc Đán; 05 máy làm đất đa năng được triển khai thực hiện tại xã Bằng Vân của huyện Ngân Sơn.

 

Kết quả thực hiện cho thấy, hiệu quả kinh tế của dự án mang lại là khá rõ nét.

 

Gặt bằng máy gặt đập liên hợp cho 1000 m2 lúa hết 1 giờ 30 phút với 2 người thực hiện, tiêu hao nhiên liệu là 2 lít dầu. Gặt bằng thủ công, bằng tay cũng trong thời gian đó phải có 13 người thực hiện. Mô hình được đánh giá cao và có khả năng nhân rộng trong sản xuất, phù hợp với đồng ruộng miền núi. Một máy trong một vụ có thể thu hoạch khoảng 15 - 20 ha lúa. Tỷ lệ thất thoát là dưới 3%; tỷ lệ hạt vỡ < 2%. Tăng năng suất lao động 15 – 30 lần, chỉ với 25 – 30 phút/ 360m2.

 

 

Hội thảo máy gặt đập liên hợp tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn

 

Tại các mô hình áp dụng máy làm đất đa năng 1WGQ4-2 (1Z-41A) vào làm đất cấy lúa so với làm đất bằng sức trâu, bò thì máy làm đất mini tiết kiệm được 2.727.000 đồng/ha. Mô hình được đánh giá là có hiệu quả, máy đảm bảo làm đất ruộng nước cho trồng lúa và làm đất ruộng cạn, rạch hàng đánh luống trồng cây màu, làm cỏ, xới đất cho cây ăn quả và cây công nghiệp... Đặc biệt máy làm đất đa năng 1WGQ4-2 (1Z-41A) có ưu điểm gọn, nhẹ, thao tác đơn giản, tiết kiệm nhiên liệu, độ bền cao. Đây cũng là loại máy phù hợp với những thửa ruộng nhỏ, bậc thang của đồng bào miền núi đem lại năng suất lao động cao, đẩy nhanh tiến độ làm đất kịp thời vụ sản xuất.

 

 

Việc đưa máy móc vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng mùa vụ một cách hiệu quả và giảm sức lao động, hầu hết người nông dân đều muốn thực hiện. Tuy nhiên, mong muốn của người dân là chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp cần mở rộng quy mô của dự án để nhiều nông dân trong tỉnh có điều kiện tiếp cận, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt trong sản xuất lúa, góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Hoàng Quốc Quyền - Trung tâm KN-KL Bắc Kạn