Mục tiêu chính của chương trình nhằm giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ không cần thiết, giảm lượng phân bón mà chủ yếu là giảm lượng phân đạm bón dư thừa, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc ứng dụng ba giảm trên sẽ tăng được năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Chính vì thế theo yêu cầu của chương trình các hộ thực hiện phải sạ hàng 100% diện tích, sử dụng phân bón và thuốc BVTV đúng theo qui trình “3 giảm 3 tăng”.

Sau khi chương trình triển khai, số diện tích bà con thực hiện sạ hàng 7,76/15 ha (đạt 51,7%), bón phân hợp lý (không để thừa phân đạm) và sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết, không sử dụng thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ trong giai đoạn đầu (trước 35 ngày sau khi sạ), xuống giống tập trung theo lịch né rầy của tỉnh 05-10/9/2011.

Kết quả đạt được:

- Giai đoạn từ khi sạ đến 30 ngày sau sạ, bà con thực hiện tương đối tốt theo qui trình “3 giảm 3 tăng”, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối không để lúa thừa phân đạm. Trước khi sạ bà con tận dụng nước mưa rửa phèn, phòng lúa bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ. Rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ có xuất hiện nhưng mật số thấp, không sử dụng thuốc.

- Giai đoạn lúa từ 30 ngày sau sạ đến trước trổ: các hộ sử dụng phân cân đối. Cán bộ kỹ thuật kết hợp với nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu, bệnh và phòng trừ có hiệu quả.

- Giai đoạn từ trổ đến chín: Lúa phát triển tốt và hạn chế được đổ ngã, rầy nâu có xuất hiện với mật số thấp, đã tiết kiệm nhiều chi phí phòng trừ rầy nâu. Trong giai đoạn này các hộ có phun các loại thuốc ngừa bệnh đạo ôn, lem lép hạt, cháy bìa lá. Năng suất tương đối cao: từ 5,8 – 6,2 tấn/ha (38-40 giạ/công).

Các hộ thực hiện đã giảm được lượng giống khoảng 60 kg giống/ha (900.000 đồng); Giảm phân bón thuốc BVTV: Tiết kiệm lượng phân khoảng 40 kg/ha (480.000 đồng) và giảm ít nhất 01 lần phun thuốc rầy và 01 lần phun thuốc bệnh (khoảng 600.000 đ/ha) so với ruộng không áp dụng “3 giảm 3 tăng”. Tổng cộng giảm chi được khoảng 1.980.000 đồng/ha. Năng suất đạt 5,84 tấn/ha (38-40 giạ/công), cao hơn khoảng 300 kg/ha so với bên ngoài trong cùng điều kiện canh tác (do các giống lúa sản xuất chủ yếu tại địa phương như OM4900, VND95-20, OM2517, …) tương đương thành tiền 1.950.000 đồng/ha. Giá thành bình quân 2.900 đồng/kg, giảm rất đáng kể do: Chi phí phun thuốc BVTV giảm , rầy nâu có xuất hiện nhưng mật số không cao nên chỉ phun 01- 02 lần (giai đoạn lúa trổ chín) với các loại thuốc hợp lý nên chi phí cho phun rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ chỉ được phun trị khi lúa sau 35 ngày tuổi chỉ phun 01 lần. Giống lúa OM6976 có xuất hiện bệnh đạo ôn và cháy bìa lá nhưng các hộ phòng trị kịp thời, đúng thuốc,…Lợi nhuận bình quân 18-20 triệu đồng/ha.Tính bình quân thực tế mỗi ha người sản xuất có lợi nhuận tăng thêm khi áp dụng qui trình “3 giảm 3 tăng” ở vụ Thu Đông năm 2011 là 3.930.000 đ/ha. Với 15 ha thực hiện vụ Thu Đông các hộ có thu nhập tăng thêm tổng cộng 58.950.000 đồng. Điển hình: Hộ ông Đoàn Văn Thương, ông Phan Quốc Kiệt, Trương Thanh Toàn, Cao Văn Quân tại ấp Giồng Bướm A, Xã Châu Thới đạt năng suất cao (6,15 tấn/ha hay 40 giạ /công lớn), chi phí rất thấp và lợi nhuận đạt cao nhất (khoảng 20 triệu đồng/ha).

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số bà con còn gặp khó khăn về qui trình canh tác và phương pháp ghi chép chi tiết về các hoạt động sản xuất, chi phí cho sản xuất lúa. Do đó, khi các hộ tự hạch toán và đánh giá hiệu quả cụ thể vẫn còn rất ít hộ chưa làm được một cách chính xác (với lý do sử dụng chung cho toàn bộ ruộng của gia đình nên không phân bịêt rõ và chỉ ước lượng), mặc dù đã được tập huấn và hướng dẫn rất kỹ ngay từ đầu vụ. Bên cạnh do việc canh tác lúa liên tục 3 vụ trong năm nên tình trạng lạm dụng thuốc BVTV còn rất lớn, đa số người sản xuất vẫn còn thích sạ dày (do thói quen và đề phòng OBV, …).

Chương trình “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI trong sản xuất lúa chất lượng” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để sản xuất lúa ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ môi trường một cách bền vững thì cần nhiều công tác hỗ trợ từ các ngành, các cấp.

HòangTrang - Trung tâm KN-KN Bạc Liêu