Năm 2018, từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP, áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI; nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Trung tâm khuyến nông Bạc Liêu triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh trên đất nuôi tôm.

Mô hình được thực hiện với quy mô 5 ha tại huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), có 5 hộ tham gia. Khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân được nhà nước hỗ trợ 100% lúa giống, 30% vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 70% lượng phân bón còn lại được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ. Ngoài ra, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu rửa mặn, làm đất, gieo sạ cho đến khâu chăm sóc và thu hoạch, thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc khi cần thiết theo nguyên tắc “4 đúng”.

Nông dân tham quan thực tế mô hình canh tác lúa thông minh trên nền đất nuôi tôm tại huyện Phước Long

Qua đánh giá kết quả thực hiện ruộng mô hình cho thấy: Nông dân chỉ phun 1 lần thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, năng suất đạt gần 7,5 tấn/ha (lúa tươi), lợi nhuận tăng hơn 1,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Canh tác lúa thông minh thật ra là giải pháp kỹ thuật, từ khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch,… dù vậy người nông dân vẫn có thu nhập cao vì mục đích hướng đến sản xuất hiệu quả, giảm chi phí đầu vào. Trước đây, bà con nông dân thường có thói quen sạ dày, điều này ảnh hưởng hàng loạt đến các công đoạn sau này như: chăm sóc, hạn chế dịch bệnh và thu hoạch. Đến nay, bà con nông dân đã biết áp dụng nhiều kỹ thuật để hạn chế lượng lúa giống khi gieo sạ nhưng vẫn phù hợp với đồng đất, không làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng (từ 150 – 180 kg lúa giống giảm xuống còn 80 kg/ha). Ông Lê Việt Thắng, người tham gia thực hiện mô hình ở ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, chia sẻ: “So với trước đây thì mô hình canh tác lúa thông minh giúp nông dân chúng tôi giảm khá nhiều chi phí đầu vào từ lúa giống, phân thuốc, công chăm sóc,… nhưng cái lợi lớn nhất đó chính là lúa cuối vụ luôn đạt năng suất cao mà lại bán được giá”.

Cũng theo đúc kết của nhiều bà con nông dân, trong hệ thống canh tác  tôm- lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, hạn chế được dịch bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa nên các chất độc hại trong nuôi tôm được giảm thiểu, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài; đồng thời cắt mầm bệnh trong ruộng nuôi, môi trường ruộng tôm ổn định hơn nên khi nuôi tôm không cần phải sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận tăng.

Thực tế sản xuất mô hình tôm- lúa tại Bạc Liêu qua nhiều năm cho thấy, trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” về sử dụng nguồn nước lợ, ngọt trong quá trình sản xuất. Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm sú, đến mùa mưa, nông dân lại lấy nước ngọt vào trồng lúa, hiệu quả mang lại rất đáng kể, nhiều nông dân ở vùng chuyển đổi đã vươn lên khá, giàu, mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Ngọc Oanh

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu