Tuy nhiên, sau đó người dân địa phương ồ ạt phá vườn đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Có hộ thành công nhưng cũng không ít hộ gặp thất bại nặng nề. Để nuôi tôm thẻ chân trắng, người dân nơi đây phải sử dụng giếng khoan lấy nước mặn và điều này sẽ phá vỡ qui hoạch, đồng thời gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống canh tác chung của người dân địa phương. Tôm thẻ chân trắng tuy có hiệu quả kinh tế cao nhưng dễ xảy ra dịch bệnh nguy hiểm gây thiệt hại có thể lên đến 100% nên đòi hỏi phải có sự đầu tư cao về vốn, kỹ thuật và nhất là hệ thống thủy lợi cấp thoát nước tốt thì mới đảm bảo phát triển bền vững.

Việc phát triển nhanh khi chưa được đầu tư đồng bộ chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong tương lai. Vậy cần chọn đối tượng thủy sản nuôi nào để thay thế con tôm thẻ chân trắng ở những địa phương này trong thời điểm hiện tại?

Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã lựa chọn con tôm càng xanh toàn đực làm đối tượng nuôi thử nghiệm. Từ kết quả của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh thực hiện những trong năm qua, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục nhân rộng mô hình này tại hộ ông Phạm Văn Xứng ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú. Đây là một xã thuộc vùng chuyển đổi.

Với diện tích 2.700 m2, thả nuôi ở mật độ 10 con/m2, kết quả đạt được sau 6 tháng nuôi khá tốt. Mô hình đạt và vượt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra ban đầu: cỡ tôm thu hoạch khoảng 30 con/kg, tỷ lệ sống 65%, năng suất đạt 2 tấn/ha.

Trong buổi tổng kết mô hình vào trung tuần tháng 12 năm 2016, hơn 80 đại biểu tham dự đã nghe hộ dân thực hiện mô hình và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông trình bày kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi, kết quả và hiệu quả kinh tế đạt được, những bài học kinh nghiệm….

Qua thăm mô hình, hầu hết đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình mang lại. Mô hình rất phù hợp với điều kiện sản xuất nông hộ, đầu tư không cao, áp dụng kỹ thuật không khó. Giá tôm càng xanh tương đối ổn định ở mức cao và ít dịch bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc nuôi tôm càng xanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: con giống tôm càng xanh toàn đực còn khan hiếm làm ảnh hưởng đến mùa vụ nuôi (làm trễ vụ → xâm nhập mặn cao →hiệu quả kinh tế thấp); khi nhân rộng mô hình, tăng diện tích nuôi hình thành sản xuất hàng hóa, tôm thương phẩm dễ bị tư thương ép giá khi thu hoạch. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt cao cũng là trở ngại lớn mà các hộ nuôi tôm càng xanh đã gặp phải. Biện pháp kỹ thuật để khắc phục là ngoài khâu chọn con giống tốt tại các cơ sở có uy tín, người nuôi cần thực hiện các khâu cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình đã được hướng dẫn; diệt hết cá tạp, cá dữ và thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống bọng… nhằm tránh thất thoát.

So sánh hiệu quả kinh tế đạt được từ nuôi tôm càng xanh với sản xuất nông nghiệp phổ biến trong vùng, chủ hộ thực hiện mô hình cho biết, trước đây, với gần 3.000 m2 chủ yếu trồng dừa, thu nhập bình quân hàng năm vào khoảng 16 triệu đồng sau khi trừ chi phí phân bón. Khi chuyển sang nuôi tôm càng xanh, với sản lượng đã thu tỉa là 440 kg tôm loại 2 có giá bán trung bình 180.000 đồng/kg và trên 200kg tôm còn lại dưới ao đang chờ vào cỡ thu hoạch thì tổng thu sau 1 vụ tôm dự kiến hơn 100 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông còn lãi trên 30 triệu đồng.

Hiệu quả của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân ở các địa phương nằm ngoài vùng quy hoạch nhưng lại muốn nuôi tôm thẻ chân trắng làm tăng nguy cơ phá vỡ quy hoạch và gây khó khăn cho các nhà quản lý. Việc chọn nuôi tôm càng xanh thay cho con tôm thẻ ở những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi là phù hợp.

Tôm càng xanh với nhiều ưu điểm như phân tích trên và đặc biệt có khả năng chịu mặn rộng… là những lý do hết sức thuyết phục vừa đáp ứng mục tiêu đa dạng hóa giống loài thủy sản nuôi vừa giảm dịch bệnh đang diễn ra ngày càng gay gắt, đồng thời giải được bài toán nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng chuyển đổi nhưng vẫn không phá vỡ quy hoạch, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tại Bến Tre.

 Nguyễn Minh Hiếu - Huỳnh Thị Hồng

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre