Do đó, được sự hỗ trợ từ kinh phí của Trung Tâm khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa tại tỉnh Bạc Liêu” năm 2020 tại HTX Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Hòa Bình - ấp 38, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình.

Dự án được thực hiện vụ Hè Thu 2020 với 02 hợp phần: (1) Xây dựng mô hình trình diễn 50 ha với 50  hộ tham gia, định mức hỗ trợ 50% giống, phân bón và thuốc BVTV; (2) Mô hình tổ chức quản lý, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ 01 máy sạ lúa theo khóm hiệu P60 với giá trị 395 triệu đồng/máy – định mức hỗ trợ 50%, xây dựng 01 nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trước khi thực hiện dự án, các hộ tham gia được tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa ứng dụng máy sạ theo khóm trên nền cơ sở của biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm/SRI như: Làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cày, trục đất bằng phẳng; Quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa; Sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý, hiệu quả và an toàn, chỉ sử dụng thuốc hoá học khi thật cần thiết; Sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 cấp xác nhận 1 sạ với lượng giống từ 50 – 77 kg/ha. Đồng thời được tập huấn về kỹ thuật vận hành, quản lý và bão dưỡng máy sạ lúa theo khóm.

Sau nhiều nỗ lực triển khai và hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra, dự án đã đạt được kết quả khả quan.

+ Về mô hình trình diễn: Kết quả đã thực hiện đạt yêu cầu 50 ha với 50 hộ tham gia, giống lúa Đài Thơm 8 sinh trưởng và phát triển tốt, cứng cây và không bị đỗ ngã so với ngoài mô hình do được sạ với mật độ thưa, vẫn có xuất hiện bệnh nhưng ít hơn và mật độ thấp hơn so với ngoài mô hình. Số hạt/bông và tỷ lệ hạt chắc/bông của ruộng sạ khóm cao hơn, năng suất đạt 6,6 – 7 tấn/ha, cao hơn 486 kg/ha so với phương pháp sạ thông thường (sạ lan). Bên cạnh đó giảm lượng lúa giống 100 kg/ha; 17 kg N tương đương 37 kg ure/ha, 17 kg P2O5 tương đương 106 kg super lân/ha, 8 kg K2O tương đương 13 kg KCl/ha, đồng thời giảm 02 lần thuốc trừ bệnh so với bên ngoài mô hình. Tổng lợi nhuận đạt 25.239.000 đồng, tăng thêm 5.088.000 đồng/ha so với ngoài mô hình.

Điểm trình diễn mô hình ứng dụng máy sạ lúa theo khóm tại HTX Hòa Bình

 

+ Về mô hình tổ chức quản lý, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Đã thành lập nhóm tổ chức quản lý, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức làm dịch vụ sạ lúa theo khóm cho các hộ dân trong HTX và mở rộng cho các hộ có nhu cầu ứng dụng máy sạ khóm. Năng suất hoạt động của máy 3 – 4 ha/ngày, với giá dịch vụ 1.700.000 đồng/ha; sau khi trừ chi phí sản xuất (ngâm ủ giống, vận chuyển, thuê lái, nhiên liệu, khấu hao) lợi nhuận thu được 730.000 đồng/ha. Song song đó, nhóm cũng quảng bá, giới thiệu và nhân rộng mô hình ứng dụng máy sạ lúa theo khóm, tạo ra các điều kiện để duy trì và mở rộng các mối liên kết bền vững trong sản xuất, giữa sản xuất với tiêu thụ thông qua việc liên kết các hộ nông dân trong mô hình, tổ chức sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật của dự án. Thành lập được chuỗi liên kết giữa người dân với người dân và người dân với doanh nghiệp thu mua thông qua ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu 100% sản phẩm lúa của mô hình với giá 6.000 đồng/kg.

Từ kết quả đạt được, nông dân tham gia dự án rất hài lòng khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Việc ứng dụng máy sạ lúa theo khóm với chi phí dịch vụ phù hợp chẳng những giúp tăng năng suất, giảm chi phí cho người trực tiếp sản xuất mà còn góp phần làm thay đổi dần nhận thức và tập quán sạ dày của nông dân. Mặt khác, thông qua nhóm liên kết các hộ nông dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn gặp phải trong sản xuất. Song song đó, dự án còn góp phần quan trọng vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa bằng máy sạ theo khóm đã tạo mối liên kết bền vững giữa các hộ nông dân với các hộ nông dân để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn; với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm không bị tình trạng tiêu thụ nhỏ lẻ bị thương lái ép giá, từng bước nâng cao cho thu nhập và mức sống cho người dân.

Dung Ngọc

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu