Mô hình có quy mô 20 ha, tại ấp 16, xã Phong Tân, huyện Giá Rai và sử dụng giống OM 2517. 40 hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% giống, 30% phân, 30% thuốc bảo vệ thực vật và 30% thuốc trừ cỏ, tổng trị giá 3.459.000 đồng/ha.

 

Nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện mô hình, ngày 02/8/2012, trạm KNKN huyện Giá Rai kết hợp chính quyền địa phương và Hội phụ nữ tổ chức buổi hội thảo tổng kết mô hình 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa chất lượng cao tại hộ ông Phạm Hoang Em, ấp 16, xã Phong Tân. Đến dự buổi hội thảo có lãnh đạo TTKN, Hội phụ nữ, chính quyền địa phương, cùng 60 bà nông dân thực hiện mô hình và nông dân xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình tham dự.

 

Qua đánh giá của bà con nông dân, mô hình rất phù hợp trong sản xuất lúa hiện nay, khi giá cả vật tư phân bón tăng cao, chất lượng hạt lúa tăng, năng suất không thua kém sản xuất lúa theo kiểu truyền thống. Ông Phạm Hoàng Lợi cho biết tham gia thực hiện mô hình 3 giảm, 3 tăng so với cách làm truyền thống của ông trước đây về giống giảm được 6 kg, phân đạm giảm 7 kg, sâu bệnh giảm; giảm số lần phun thuốc BVTV; giảm công chăm sóc khỏang 200 ngàn đồng/công (1.300m2), năng suất ước tính 800kg/công, tổng chi phí bình quân 2 triệu đồng/công. Giá bán lúa tươi 4.400 đồng/kg, lợi nhuận bình quân khoảng 2 triệu đồng/công.

 

Ông Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc TTKN-KN Bạc Liêu đã nêu ý nghĩa của việc thực hiên mô hình là giảm chi phí trong sản xuất lúa, tăng năng chất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Việc thực hiện mô hình có sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, chính quyền địa phương và nông dân tham gia thực hiện chương trình. Tuy nhiên, nông dân chưa thực hiện đúng 100% theo quy trình như còn sạ bằng tay, lượng giống lúa, phân bón và thuốc BVTV tuy đã giảm so với sản xuất đại trà, nhưng vẫn còn cao hơn quy trình khuyến cáo, hiệu quả mô hình chỉ đạt mức khá. Ông cũng khẳng định, đây là 1 sự thành công vì giảm được 1 phần chi phí, làm cho người sản xuất lúa quen dần với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất cho những vụ mùa tiếp theo, xóa dần tập quán canh tác lúa truyền thống.

 

Ngọc Oanh - TTKNKN Bạc Liêu