Những năm trước khi diện tích nông nghiệp còn nhiều, người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, nếu thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh thì có lãi chút ít nhưng công chăm sóc lại vất vả nên các hộ nông dân tại đây đã mạnh dạn chuyển sang trồng dưa kim cô nương trên đất lúa năng suất thấp. Trao đổi với bác Nguyễn Văn Phát, tôi nhận thấy sự phấn khởi trong ánh mắt bác vì dưa kim cô nương năm nay được mùa và được giá. Với 2 sào trồng dưa kim cô nương, sau gần 3 tháng trồng, gia đình bác thu được 700 – 800 kg dưa/sào. Vào thời điểm đầu vụ thu hoạch, gia đình bác bán dưa ra thị trường với giá 25.000 đồng/kg, hiện nay đang vào giữa vụ thu tập trung nên giá bán giảm xuống 20.000 đồng/kg, bác dự tính vụ dưa này có thể thu khoảng 13-15 triệu đồng/sào.

Bác Phát cũng cho biết thêm: “Vài năm trước khi ít người trồng giống dưa kim cô nương thì giá bán được cao hơn nên mỗi sào trồng dưa kim cô nương có thể thu được 18 - 20 triệu đồng/sào, bây giờ có nhiều người trồng nên giá bán thấp hơn và thu nhập cũng giảm”. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng dưa kim cô nương, bác cho biết: “Giống dưa kim cô nương có thời gian sinh trưởng ngắn nhưng nếu muốn dưa có năng suất cao thì trước khi trồng phải làm đất tơi xốp, rắc vôi bột để xử lý đất; đầu tư nilon phủ lên trên bề mặt luống vừa giữ chất dinh dưỡng cho đất vừa giảm công vun xới, làm cỏ, tưới nước, đồng thời giúp quả có mẫu mã đẹp; điều quan trọng là phải chú ý phòng trừ sâu bệnh, nhất là sâu xám cắn cây con, bệnh thối thân, cháy lá, đốm lá, bệnh héo xanh vi khuẩn, giả sương mai…; khi cây ra hoa, đậu quả phải tỉa bớt quả, để lại mỗi dây từ 1-2 quả. Kể từ khi dưa đậu quả, tôi phải đi từng gốc cây kê miếng xốp vuông để quả cách ly với mặt nilon, mặt khác trong thời gian quả lớn thì việc kiểm tra và đảo các mặt quả tiếp xúc đều với ánh nắng mặt trời cũng rất quan trọng. Có làm như vậy thì vỏ quả mới đều màu, không bị rám và chất lượng ngon, ngọt. Còn khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch phải tỉa bớt lá để cho quả có màu vàng tươi”.

Nhận thức được vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay được nhiều người và toàn xã hội quan tâm nên trong quá trình sản xuất bác Phát sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, đặc biệt trong phòng trừ sâu bệnh bác ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, có thời gian cách ly ngắn, an toàn và bảo vệ môi trường. Với chi phí đầu tư cho 1 sào về giống, phân bón, nilon phủ luống và thuốc trừ sâu bệnh khoảng 3-3,5 triệu đồng, thì cuối vụ cũng cho lãi khoảng 10-12 triệu đồng/sào, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Dưa kim cô nương có quả hình oval, vỏ trơn, khi chín có màu vàng kim, thịt màu vàng, cùi giòn, ngọt mát. Thời gian sinh trưởng 58 - 60 ngày, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, thời gian từ ra hoa đến thu hoạch khoảng 30-35 ngày. Quả đồng đều, trọng lượng quả khi thu hoạch bình quân 1,5-2,0 kg/quả. Dưa kim cô nương sau khi thu hoạch dễ bảo quản, chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được 1 tháng. Dưa để càng lâu thì vỏ càng vàng đậm, dưa càng ngọt nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Đây là mô hình có hiệu quả có thể nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh nhằm làm đa dạng cơ cấu luân canh cây trồng, chuyển đổi cây trồng cho những vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh./.

Nguyễn Quỳnh Trang

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Ninh