Mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật SRI nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” tại huyện Giồng Trôm 

Dự án thực hiện trong vụ hè thu với qui mô 60ha, tại xã Phong Mỹ huyện Giồng Trôm có 88 hộ nông dân tham gia. Dự án hỗ trợ 100% lúa giống với lượng lúa giống 100 kg/ha, 30% vật tư (phân bón và thuốc BVTV) với hình thức hỗ trợ không hoàn lại. Giống lúa được chọn là giống có chất lượng cao OM 7347, Nàng hoa 9, cấp xác nhận. Nông dân tham gia dự án phải đảm bảo vật tư đối ứng để thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.

Tham gia dự án, nông dân được tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa như kỹ thuật 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI, kỹ thuật xử lý các yếu tố phèn, mặn; các giải pháp trong canh tác lúa bền vững để giảm phát thải khí nhà kính như không đốt đồng, sạ thưa, bón phân cân đối NPK, tưới ngập khô xen kẽ, áp dụng quản lý dịch hại IPM trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí đầu vào như: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc BVTV, giảm công lao động giúp tăng lợi nhuận.

Thực hiện dự án, hầu hết nông dân đã ứng dụng tốt những tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao như: cày ải phơi đất đầu vụ, xử lý và kiểm tra độ phèn, mặn trong đất trước khi xuống giống, sạ lúa theo hàng, sử dụng giống xác nhận, áp dụng quy trình bón phân hợp lý, áp dụng IPM vào quản lý sâu bệnh, tưới nước tiết kiệm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Tại buổi tổng kết mô hình, các hộ tham gia đều phấn khởi bởi hiệu quả của dự án mang lại và khẳng định việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật đã góp phần làm tăng lợi nhuận, giúp tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Cụ thể, năng suất lúa đạt 6,15 tấn/ha, tăng 0,65 tấn/ha so với ngoài mô hình. Lợi nhuận đạt 11.675.000 đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà là 4.391.000 đồng/ha, nhờ vào giảm các chi phí 1.200.000 đồng/ha so sản xuất đại trà. Trong đó:

- Lượng giống gieo sạ sử dụng 100 kg/ha, giảm lượng giống sử dụng 20-30 kg/ha;

- Giảm lượng bón đạm được 45 kg urê/ha;

- Giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 25% chi phí bơm nước so với ngoài mô hình.

Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ một lớp tập huấn nhân rộng có 35 nông dân trong vùng tham dự. Khóa tập huấn đã truyền đạt các kiến thức nâng cao liên quan đến kỹ thuật canh tác lúa 3 giảm 3 tăng, sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, kỹ thuật quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật tưới nưới ngập khô xen kẽ, áp dụng IPM để quản lý dịch hại, kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường trong canh tác lúa.

Tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia dự án

Dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa là một giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả sản xuất giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Các tiến bộ kỹ thuật mới đơn giản, dễ áp dụng vào sản xuất nên được nông dân đồng tình ứng dụng và thực hiện có hiệu quả. Với kết quả đạt được của Dự án góp phần nâng cao năng lực, trình độ canh tác lúa của người nông dân. Kết quả nổi bật của dự án là đã nâng cao hiểu biết, nhận thức và sự tin tưởng của hầu hết nông dân sản xuất lúa ở Bến Tre về cơ sở khoa học và kỹ thuật giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất. Đây là cơ sở thực hiện tốt Chương trình giảm lượng giống gieo sạ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

Trương Thị Bình

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre