Mô hình có sự tham gia của 10 hộ dân tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những xã khó khăn (bãi ngang) của tỉnh nhưng các hộ vẫn đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, có kinh nghiệm và trình độ chăn nuôi lợn.

Trong quá trình triển khai, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát mô hình, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã tổ chức buổi tổng kết mô hình. Ông Hồ Văn Truyền, đại diện nhóm hộ tham gia dự án cho biết, do thay đổi môi trường nuôi, từ trại cung cấp lợn giống (nuôi chuồng lạnh) chuyển về các hộ thực hiện môi hình (chuồng hở), lợn giống bị mắc bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn được chăm sóc và nuôi dưỡng, đàn lợn đã ổn định sức khỏe. Đến nay, trọng lượng bình quân của lợn đạt trên 60 kg/con. Dự kiến trước tết nguyên đán này đàn lợn sẽ đạt trọng lượng xuất chuồng khoảng 100 kg/con, đúng thời điểm giá lợn hơi sẽ tăng cao hơn so với bây giờ nên bà con rất phấn khởi. 
Ông Hồ Văn Truyền báo cáo tại buổi tổng kết

 

Cũng tại buổi tổng kết, bà Lương Thị Thanh - cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam, phụ trách theo dõi mô hình cho biết: đàn lợn có mức sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng bình quân đạt 778 gram/con/ngày, vượt hơn so với yêu cầu của mô hình đề ra. Thời điểm cuối tháng 12/2020, trọng lượng bình quân của lợn trong mô hình là 60 kg/con. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, sau 4 tháng nuôi đàn lợn sẽ đạt trọng lượng bình quân trên 100 kg/con. Nếu giá bán lợn hơi là 70.000 đồng/kg thì trừ các chi phí đầu tư, người chăn nuôi ước tính sẽ lợi nhuận khoảng 500.000 đồng/con. Ngoài ra, mô hình hỗ trợ tái đàn cho người chăn nuôi lợn khi họ vẫn lo ngại về dịch bệnh nên chưa mạnh dạn đầu tư. Kết quả mô hình đã giúp người dân an tâm duy trì và phát triển nghề chăn nuôi lợn trong tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra và giải quyết công ăn, việc làm cho các hộ gia đình. Đồng thời nâng cao ý thức, kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trong việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học phòng bệnh cho vật nuôi.

Theo ông Lữ Hoàng Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, hiện nay  việc tái đàn lợn tại địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài vấn đề con giống đang khan hiếm thì dịch bệnh luôn là mối đe dọa cho người chăn nuôi. Kết quả của mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học mà Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thực hiện đã cho thấy quy trình chăn nuôi an toàn sinh học rất hiệu quả, mang lại ý nghĩa to lớn cho việc nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh.

Phát biểu kết luận trong buổi tổng kết, ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh một lần nữa khẳng định mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, đàn lợn hiện nay vẫn chưa đến thời điểm xuất chuồng. Vì vậy, để đảm bảo đàn lợn của các hộ chăn nuôi trong vùng dự án phát triển tăng trọng tốt và không xảy ra dịch bệnh, ông đề nghị cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình nên theo sát địa bàn và tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho các nông hộ tham gia mô hình thực hiện các biện pháp cách ly, vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh. Các hộ thực hiện mô hình tiếp tục chăm sóc đàn lợn đảm bảo tăng trưởng tốt, tuân thủ đúng qui trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho đến khi xuất chuồng và tiếp tục đánh giá hiệu quả để nhân rộng mô hình./.

Nguyễn Văn Khoa

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre