Qua thực tế sản xuất trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018 cho thấy: Việc tham gia liên kết sản xuất chuỗi trong dự án cánh đồng lớn đã giúp gia tăng tính cộng đồng; khắc phục hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân về đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật; tạo nên sự đồng đều trên toàn cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã kiểu mới. Phương thức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nông dân, HTXNN và doanh nghiệp là tiền đề để thực hiện mục tiêu: hạ thấp giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, sự minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, HTXNN và nông dân sẽ hạn chế những rủi ro như sản lượng lúa dư thừa, hạn chế tình trạng không tuân thủ hợp đồng từ hai phía.

Nông dân chuẩn bị đất gieo sạ vụ Thu 2018 trên cánh đồng lớn tại Phước Sơn, huyện Tuy Phước

Vụ Đông Xuân 2017 – 2018, năng suất trung bình từ 02 cánh đồng lớn sản xuất lúa tại HTXNN Phước Hưng và Phước Sơn I đạt trung bình từ 78 – 82 tạ/ha,cao hơn trung bình đại trà từ 2 – 4 tạ/ha, tỷ lệ thu mua lúa giống đạt từ 70 – 80%  so với năng suất thực thu của nông dân. Với giá thu mua cao hơn 1,25 lần so với giá thị trường, nông dân thu lãi ròng khoảng hơn 32 triệu đồng/ha.

Ông Hồ Thiện, Phó giám đốc HTXNN Phước Sơn I cho biết: “ Dự án cánh đồng lớn tại HTXNN Phước Sơn I đã áp dụng quy trình canh tác thâm canh lúa cải tiến SRI, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất như làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch, nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa từ đầu vụ đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất; được HTX và Công ty Giống cây trồng Thái Bình bao tiêu sản phẩm, nông dân yên tâm sản xuất và hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với sản xuất truyền thống”. Một nông dân trong vùng Dự án cho biết thêm “Lúc trước làm 4 sào ruộng mà vất vả, khổ sở từ làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch, hiện nay tham gia dự án cánh đồng lớn, được sản xuất lúa theo quy trình, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hiện nay sản xuất lúa cả mẫu (5.000 m2) cũng không thấy mệt”.  

Việc sản xuất lúa theo cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân góp phần xây dựng thành côngn thôn mới trong giai đoạn hiện nay tại Bình Định./.

Nguyễn Cường

Trung tâm Khuyến nông Bình Định