Mô hình được thực hiện trên diện tích 2 ha với 5 hộ tham gia trồng giống kiệu trâu, áp dụng quy trình kỹ thuật được Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định ban hành. Qua hơn 3 tháng triển khai cho thấy, kiệu trong mô hình sinh trưởng khá tốt, phát triển thân lá và củ to hơn. Năng suất củ tươi ước đạt 5,6 tấn/ha hay tương đương 280 kg/sào (500m2), cao hơn ngoài mô hình 0,2 tấn (tương 10 kg/sào). Hệ thống tưới vận hành thuận lợi, giúp chủ động trong việc tưới nước, chăm sóc, bón phân; Giảm đáng kể công tưới nước so với sản xuất theo truyền thống là tưới thủ công (cầm dây tưới).

Báo cáo tại hội thảo cho biết, tổng thu ruộng mô hình kiệu đạt 232.330.000 đồng/ha, cao hơn ruộng kiệu ngoài mô hình 16.330.000 đồng/ha, tổng chi phí ruộng mô hình kiệu 109.120.000 đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 14.220.000 đồng/ha. Lợi nhuận ruộng mô hình kiệu đạt 123.210.000 đồng/ha (tương đương 6.160.500 đồng/sào), cao hơn ngoài mô hình 2.110.000 đồng/ha (lợi nhuận ngoài mô hình là 121.100.000 đồng/ha).

Cánh đồng trồng kiệu theo VietGAP tại thôn Vĩnh Quang

 

Với đặc tính ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cũng cao nên trong những năm trở lại đây, cây kiệu đã được nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Quang nói riêng và một số địa phương khác nói chung, lựa chọn là giống cây trồng chủ lực trên vùng đất bạc màu trồng mía kém hiệu quả.

Gia đình bà Nguyễn Thị Sa có gần 1ha trồng kiệu, năng suất bình quân đạt từ 280 - 300 kg/sào. Với giá kiệu trên thị trường hiện nay thì mỗi mùa kiệu gia đình bà Sa cũng thu về vài chục triệu đồng.

Bà Sa chia sẻ: "Vụ kiệu năm nay gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và vật tư, hơn nữa do thời tiết thuận lợi, tình hình sâu bệnh không đáng kể nên đám kiệu nhà tôi đạt năng suất cao. Kiệu dễ trồng, thị trường tiêu thụ mạnh nên làm kiệu thu lợi nhuận nhiều hơn so với trồng mía trước đây".

Theo một thương lái thu mua kiệu cho biết thì năm nay nhìn chung các vùng trồng kiệu trên địa bàn Bình Định đều được mùa. Cây kiệu gặp thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt, cho củ to, chắc, ít có hiện tượng hư thối. Tại xã Vĩnh Quang người dân xuống giống sớm hơn nên các ruộng kiệu trên địa bàn nay đã bắt đầu thu hoạch.       

Mô hình thâm canh cây kiệu tại xã Vĩnh Quang đã góp phần chuyển giao kỹ thuật đến nông dân tại địa phương về ứng dụng hệ thống tưới, quy trình bón phân, quản lý và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây kiệu, hướng dẫn thâm canh theo quy trình VietGAP. Qua mô hình thâm canh cây kiệu đã đạt hiệu quả bình quân cao hơn ngoài mô hình góp phần tăng thu nhập, ổn định sản xuất, hình thành vùng chuyên sản xuất rau kiệu theo VietGAP tại địa phương.

Có thể nói kiệu là loại cây trồng ngắn ngày nhưng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Hy vọng rằng trong thời gian tới thì không chỉ ở Vĩnh Quang mà sẽ còn nhiều địa phương khác áp dụng thành công mô hình trồng kiệu để vừa cải thiện chất lượng cuộc sống vừa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trên cả nước.

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định