Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã xây dựng và thực hiện mô hình “Trồng giống cỏ Paspalum thích ứng điều kiện ngập úng, chịu phèn” tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, với diện tích 5.000 m2, có 2 hộ tham gia.

Qua 6 tháng thực hiện mô hình cho thấy, cỏ Paspalum cho năng suất khá cao. Thời gian thu cắt lứa đầu từ 60 ngày, thời gian tái cắt 35 - 40 ngày, bình quân 8 lứa cắt/năm, năng suất ước đạt 165 tấn/ha/năm, nếu chăm sóc tốt sẽ đạt trên 300 tấn/ha/năm. Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với khuyến nông viên tại địa phương luôn bám sát theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ nhằm đem lại năng suất cao.

Tham quan mô hình trồng cỏ Paspalum tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn

Giống cỏ Paspalum có tỷ lệ sống, nẩy mầm cao >90%, khả năng sinh trưởng tốt, bộ rễ phát triển mạnh; có thể trồng bằng hạt hoặc bằng thân; lá to, nhiều lá, cỏ mềm, bò thích ăn. Cỏ Paspalum có thể cho ăn tươi hoặc ủ chua và đặc biệt thích nghi tốt với nhiều loại đất, đặc biệt chịu được ngập úng, chịu được phèn, tuy nhiên không chịu được ngập sâu (quá đầu ngọn cỏ) và ngập kéo dài trên 7 ngày, vì vậy khi trồng cần chủ động, tính toán thời điểm trồng và vùng đất trồng để cỏ có thể phát triển được tốt nhất.

Ông Trà Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội nông dân xã Tây Bình cho biết: Qua Hội thảo tổng kết đánh giá mô hình, chúng tôi thấy giống cỏ Paspalum được triển khai tại xã có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt giống cỏ này chịu được những vùng đất trũng thấp, ngập úng và phèn mà vẫn cho năng suất cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nông dân chăn nuôi trong xã nên nhân rộng mô hình này.

Bà Lê Thị Xuân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết thêm: Năm 2018 Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và phối hợp với một số Trạm Khuyến nông trong tỉnh, trong đó có huyện Tây Sơn thực hiện mô hình trồng cỏ Paspalum. Đây là giống cỏ thích ứng với vùng đất thấp, chịu ngập úng. Qua kết quả của mô hình cho thấy giống cỏ này có năng suất khá cao từ 150 – 300 tấn/ha/năm nếu có đầu tư phân bón, nhất là phân hữu cơ. Từ kết quả của mô hình, bà con rất phấn khởi. Trong thời tới, đối với những vùng đất thấp, thường hay bị ngập úng thì có thể đưa giống cỏ này vào để thay thế các giống cỏ truyền thống trước đây, tạo đa dạng các giống cỏ để bà con lựa chọn phù hợp trên từng chân đất, tạo thêm nguồn thức ăn xanh cho các hộ chăn nuôi bò.  

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định