Mô hình thực hiện ở vụ Đông xuân 2017-2018, áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), sử dụng giống lúa thuần Khang Dân đột biến, với quy mô 50ha, có 273 hộ nông dân tham gia (trong đó hơn 80% là nữ).

Nông dân tham gia mô hình thực hiện gieo sạ với mật độ 80kg/ha, thấp hơn 40kg/ha so với ruộng đối chứng của bà con ngoài mô hình, vì vậy chi phí lúa giống giảm 700.000 đồng/ha, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 590.000 đồng/ha, lượng phân bón giảm 1.246.000 đồng/ha. Bên cạnh đó, việc tưới nước theo phương pháp ướt khô xen kẽ đã góp phần tiết kiệm nước tưới khoảng 25% so với ruộng ngoài mô hình.

Các đại biểu tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Giang, huyện Tây Sơn.

Qua thăm đồng và đánh giá hiệu quả tại hội thảo cho thấy, việc sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến đem lại hiệu quả thiết thực. Tổng chi phí đầu tư cho 1ha ruộng trong mô hình thấp hơn khoảng 3.340.000 đồng, lợi nhuận từ ruộng mô hình SRI đạt 23.806.000 đồng/ha, cao hơn 4.986.000 đồng so với ruộng ngoài mô hình, năng suất lúa đạt 69 tạ/ha, cao hơn ruộng nông dân làm ngoài mô hình 3 tạ/ha. Hiệu quả sản xuất thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI tăng hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống gần 21%.

Ngoài ra, việc canh tác lúa theo quy trình SRI, nông dân giảm lượng phân bón và lượng nước tưới góp phần giảm tích tụ hóa chất độc hại trong nông sản, bảo vệ môi trường... Tưới nước theo quy trình giúp cây lúa đẻ nhánh tập trung, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng và chống đổ ngã, giảm phát thải khí nhà kính. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ đề nghị Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình này.

Phan Thanh Sơn

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định