Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có trên 3.000 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên chuyên khai thác xa bờ, trong đó có khoảng 1.300 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương.

Trong những năm qua, nhiều tàu cá hiện đại, công suất lớn đã được ngư dân đóng và hạ thủy để khai thác thủy sản. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản thủy sản bằng đá như hiện nay chi phí cao và chất lượng thủy sản chưa được đảm bảo. Trung bình một chuyến biển của nghề câu cá ngừ đại dương chi phí  các loại từ dầu, đá, nước sinh hoạt, nước uống khoảng từ 80 đến 100 triệu đồng, trong đó chi phí dầu nhớt, đá bảo quản cá chiếm phần lớn.

Để áp dụng các phương pháp bảo quản hiện đại vào sản xuất, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã đầu tư kinh phí, phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản thủy sản trên tàu cá”.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn công nghệ cho chủ tàu cá

 

Năm 2021, mô hình được triển khai trên 2 tàu cá tham gia chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương ở thị xã Hoài Nhơn. Theo các chủ tàu cá, thiết bị gọn, dễ sử dụng, ít tốn điện. Sử dụng thiết bị nano không chỉ tiết kiệm chi phí về nước đá, còn tăng khoảng trống trên thuyền do không phải mang đá đi nhiều như trước, nhất là tiết kiệm sức lao động khi bốc dỡ sản phẩm do cá đưa vào hầm bảo quản theo kiểu thẳng đứng, khác với kiểu để cá nằm ngang rồi đắp đá lạnh như trước đây nên không phải bóc hết các lớp đá lạnh mới đưa được cá lên bờ. Sản phẩm cá ngừ đại dương khai thác được bảo quản có chất lượng cá loại A, B+ > 70%.

Ngoài ra, nếu bảo quản bằng đá, khi bán cá bắt buộc phải dùng nước xịt lên đá, chờ đá tan 1 phần rồi lấy đá ra khỏi lớp cá để lấy cá lên, tốn nhiều thời gian của thủy thủ đoàn, chất lượng cá cũng bị ảnh hưởng. Việc bảo quản bằng công nghệ nano sẽ lấy cá ra khỏi hầm bảo quản rất nhanh chất lượng cá được đảm bảo, ngư dân rất thích.

Thu mua cá tại Cảng cá Quy Nhơn

 

Ngay trong quý II năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản lựa chọn 01 tàu cá để triển khai nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho ngư dân. 

Hiện nay các tàu câu cá ngừ đại dương của Bình Định đã sử dụng một số thiết bị, công nghệ hiện đại như: máy tạo xung Tuna Shocker để làm ngất cá, bảo quản cá bằng cách xả tiết, lấy nội tạng trước khi đưa vào hầm đá… Nhờ đó chất lượng cá đã cao hơn so với cách làm trước đây. Cùng với đó, việc đưa công nghệ nano vào bảo quản giúp ngư dân nâng chất lượng cá lên thêm một cấp nữa.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Trạng, chủ một tàu câu cá ngừ đại dương ở Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn), công nghệ nano giúp ngư dân bảo quản cá ngừ đại dương trong thời gian dài hơn, độ tươi tốt hơn. Để áp dụng công nghệ này, hầm bảo quản cá cần thay đổi theo thiết kế phù hợp; cá được bảo quản trong hầm bằng cách móc thẳng đứng, tiết kiệm không gian, thời gian trong bốc dỡ; chất lượng cá đạt tỷ lệ loại A tăng lên, giá bán cao hơn, lợi nhuận mỗi chuyến biển tăng lên.

Việc chuyển giao kỹ thuật bảo quản thủy sản bằng công nghệ nano sẽ giúp ngư dân từng bước phát triển nghề cá bền vững, ngư dân nắm vững được kỹ thuật dưới sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, đảm bảo quy trình đánh bắt, bảo quản, ổn định chất lượng cá khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định