Mô hình được thực hiện trên diện tích 1 ha tại thôn Mỹ Lợi, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn. Thời điểm trồng bắt đầu từ ngày 3/10/2016.

Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Quy Nhơn và cán bộ hiện trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của cây, hướng dẫn hộ dân chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây keo lai.

Cho đến nay, keo lai nuôi cấy mô đã bước sang năm thứ 4. Các hộ tham gia mô hình thực hiện việc chăm sóc, bón phân, phát dọn thực bì, chặt bỏ những cây đa thân, chỉ giữ lại 1-2 thân chính theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên cây keo lai trong mô hình sinh trưởng phát triển tương đối đồng đều; tăng trưởng về chiều cao, đường kính đều cao hơn nhiều so với keo lai hom. Hiện cây keo lai nuôi cấy mô đang phát triển ổn định, dự kiến trữ lượng gỗ sau 4 năm là 80 m3/ha/năm, cao hơn so với keo lai giâm hom chỉ đạt 60 m3/ha/năm.

Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn trồng thâm canh rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô

Mô hình trình diễn “Trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô” đã giúp cho các hộ nông dân tiếp cận được quy trình kỹ thuật phù hợp, lựa chọn giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để đưa vào sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng trong trồng rừng. Kết quả đem lại chỉ mới là bước đầu, tuy thời gian chưa đủ để đánh giá hiệu quả kinh tế nhưng cho thấy khả năng mô hình sẽ cho năng suất cao. Cây keo lai nuôi cấy mô hiện nay chưa thực sự được người dân đưa vào trồng đại trà nhưng qua mô hình trình diễn thí điểm có thể khẳng định, bước đầu cây keo lai nuôi cấy mô dễ trồng, sinh trưởng phát triển nhanh hơn keo giâm hom. Chu kỳ khai thác 8-10 năm, khi đó trữ lượng gỗ cao nhất, gỗ sử dụng làm mộc dân dụng sẽ có giá thành cao hơn so với gỗ nguyên liệu. Ngoài giá trị về mặt kinh tế, cây keo lai còn có giá trị về mặt môi trường như có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn. Ngay từ đầu năm 2019, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí vật tư nông nghiệp cho mô hình.

Qua theo dõi, hộ tham gia mô hình - anh Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Những năm trước đây, gia đình tôi trồng rừng bằng cây keo giâm hom. Từ năm 2016, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống keo lai cấy mô trên diện tích trồng mới 1ha. Cho đến nay, cây đã được 4 năm, kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ cây sống trên 95%, cây keo mô sinh trưởng và phát triển nhanh, độ đồng đều cao, chưa thấy sâu bệnh, cây ít bị đỗ ngã, chịu hạn, chiều cao và đường kính của cây vượt từ 15-20% so với diện tích đối chứng”.

Theo ông Lê Văn Giác, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Mỹ cho biết thêm: “Tôi đánh giá giống keo lai nuôi cấy mô so với cây keo lai giâm hom có nhiều điểm vượt trội như: Trồng cùng thời gian và được chăm sóc giống nhau nhưng cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai hom, bên cạnh đó có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt hơn. Cây có rễ cọc chắc chắn nên chịu được gió mạnh vì vậy rừng ít bị rủi ro hơn. Và trồng với mật độ thưa nên giảm chi phí về cây giống, phân bón, nhân công lao động, dự kiến sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn”.

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định