Mới đây, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành tổ chức hội thảo tổng kết tại các mô hình tại ba huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và Hoài Nhơn.

Tại các mô hình này, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất thâm canh cây lúa áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng: giảm lượng giống gieo sạ, phân bón cân đối NPK, giảm thuốc BVTV, nước tưới tiết kiệm ướt khô xen kẽ, qua đó giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế.

Tham quan mô hình "Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trong sản xuất thâm canh cây lúa" tại xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn

Kết quả các mô hình như sau:

Tại thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, mô hình có 31 hộ nông dân tham gia. Giống lúa lai TH3-3 được đưa vào sản xuất với mật độ gieo sạ 45 kg/ha. Năng suất lúa tại mô hình đạt bình quân 68 tạ/ha cao hơn 3 tạ so với đối chứng. Mô hình cho thu nhập 40,8 triệu đồng/ha; lợi nhuận đạt 17,84 triệu đồng/ha, cao hơn 1,72 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Tại thôn Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh, có 56 hộ tham gia mô hình; sử dụng giống lúa thuần DT 45, mật độ gieo sạ 90 kg/ha; năng suất lúa bình quân 61,5 tạ/ha, cao hơn 3 tạ so với đối chứng; mô hình cho thu nhập 33,82 triệu đồng/ha; lợi nhuận 9,61 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 3,41 triệu đồng/ha.

Tại Hoài Nhơn, mô hình thực hiện tại thôn Tăng Long 1, xã Tam Quan Nam, có 61 hộ tham gia; sử dụng giống lúa thuần KD 28, mật độ gieo sạ 100 kg/ha; cho năng suất bình quân 61,2 tạ/ha cao hơn 4,8 tạ so với đối chứng; mô hình cho thu nhập 30,6 triệu đồng/ha; lợi nhuận 4,77 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 2,57 triệu đồng/ha.

Việc canh tác theo quy trình ICM là phương pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường; giúp bà con nông dân giảm thiểu lượng nước tưới nhờ thực quy trình tưới ướt khô xen kẽ, giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ các loại sâu bệnh và công lao động; đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính; tăng năng suất, sản lượng lúa từ đó tăng thêm thu nhập. Mô hình giúp nông dân xóa bỏ tập thói quan canh tác cũ gieo sạ dày, bón phân không cân đối, lạm dụng sử dụng quá nhiều phân đạm và các loại thuốc BVTV gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà năng suất lúa lại không cao.

Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tiếp tục đánh giá kết quả thực hiên các mô hình tại huyện Phù Mỹ và thị xã An Nhơn; để từ đó đánh giá chính xác hơn hiệu quả mô hình và khuyến cáo bà con nông dân nhân rộng mô hình này.

Phan Thanh Sơn

Trung tâm Khuyến nông Bình Định