Vì vậy, việc tuyển chọn giống sắn mới có triển vọng, phù hợp với điều kiện từng địa phương để thay thế dần một số giống có biểu hiện thoái hóa, kết hợp đầu tư thâm canh nhằm tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân là điều cần thiết.

Xuất phát từ tình hình trên, được sự chỉ đạo của Sở Nông Nghiệp và PTNT Bình Định, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tiến hành thực hiện mô hình Khảo nghiệm bộ giống sắn mới như: HL-S10, HL-S12, HL-S13, HL-S14, HL-S11 (giống đối chứng 1) và KM419 (giống đối chứng 2) với tổng diện tích 0,5 ha, có 6 hộ tham gia mô hình tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh.

Bước đầu, các giống sắn mới được đánh giá có tiềm năng năng suất cao

Kết quả theo dõi, đánh giá 06 giống sắn khảo nghiệm năm 2018, bước đầu đã xác định các chỉ tiêu và đặc điểm chính của các giống như sau:

- Giống sắn HL-S 10: Thân thẳng, màu xám bạc, ngọn xanh, gân lá màu trắng xanh, không phân nhánh, góc lá nhỏ, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh, khả năng chịu hạn rất tốt, củ đâm ngang, đuôi củ phình to, thịt củ màu trắng đục. Năng suất củ tươi 36,7 tấn/ha, thời gian thu hoạch 9 tháng sau trồng.

- Giống sắn HL-S12: Thân hơi xiên và cong, màu xám bạc, ngọn xanh, gân lá màu hồng nhạt, có phân nhánh, góc lá rộng, lá xẻ thùy không sâu, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại chính, khả năng chịu hạn tốt, vỏ ngoài của củ màu vàng nhạt, vỏ trong của củ màu trắng sữa, thịt củ màu trắng đục, có đuôi củ, năng suất củ tươi 38,4 tấn/ha, thời gian thu hoạch 9 - 10 tháng sau trồng.

- Giống sắn HL-S13: Thân cong ở phần gốc, vàng nhạt, thân thẳng không phân nhánh, ngọn xanh, cuống lá màu xanh phớt đỏ hồng, ít nhiễm sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, thịt củ màu trắng đục, năng suất củ tươi 33,3 tấn/ha, thời gian thu hoạch 9 - 11 tháng sau trồng.

- Giống sắn HL-S 14: Thân thẳng, màu xám bạc, ngọn xanh, không phân nhánh, nhặt mắt, cuống lá màu xanh, lá xẻ thùy sâu, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại chính, khả năng chịu hạn rất tốt, thịt củ màu trắng đục, năng suất củ tươi 24,5 tấn/ha, thời gian thu hoạch 9 - 10 tháng sau trồng.

- Giống sắn HL-S 11: Thân thẳng, ngọn xanh, không phân nhánh, vỏ thân màu vàng sẫm. HL-S11 cũng có những hạn chế là thân cây khá cao, vỏ ngoài của củ màu nâu vàng, vỏ trong màu trắng sữa, và màu thịt củ trắng ngà. Chưa thấy nhiễm sâu bệnh phổ biến như nhện đỏ, rệp sáp; chịu hạn. HL-S11 có hàm lượng tinh bột tới 28-30%. Năng suất tinh bột của HL-S11 đạt tới trên 14 tấn/ha, năng suất củ tươi 36,7 tấn/ha, thời gian thu hoạch 10 - 11 tháng sau trồng.

- Giống sắn KM419: Thân xanh, thẳng, nhặt mắt, không phân cành, lá già xanh đậm, đọt non màu tím, củ đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, ít nhiễm sâu bệnh. Năng suất củ tươi ước đạt 33,3 tấn/ha (tiềm năng năng suất 38 -  50 tấn/ha). Hàm lượng bột đạt từ 28,2 - 29%. Thời gian sinh trưởng 8 – 10 tháng. Thích hợp cho trồng rải vụ tại Bình Định.

Bước đầu, các giống sắn mới được đánh giá là giống có tiềm năng năng suất cao hơn giống đối chứng, phù hợp với các chân đất khác nhau. Mặc dù lúc xuống giống gặp thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng vẫn cho năng suất, hàm lượng tinh bột khá cao. Trong thời gian hơn 5 tháng thực hiện mô hình khảo nghiệm, các giống sắn HL-S14, HL-S10 và HL-S12 có chỉ tiêu sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu hạn, đặc điểm ngoại hình, năng suất có triển vọng và là cơ sở tiếp tục theo dõi để mở rộng sản xuất ở vụ tiếp theo. Theo đánh giá của các hộ tham gia khảo nghiệm, các giống sắn mới này trong mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, cây sắn chắc khỏe và không có dịch bệnh, được biết đây là những giống sắn có hàm lượng tinh bột cao hơn so với các giống sắn trên địa bàn huyện từ trước đến nay.

Ông Lâm Trường Hận, nông dân tham gia mô hình cho biết: Sau khi được Trạm khuyến nông chọn tham gia chương trình khảo nghiệm, tôi thấy các giống sắn này có những ưu điểm hết sức nổi trội. Thứ nhất là dễ trồng, thứ hai khi trồng tốn ít phân bón hơn so với các giống sắn khác, thứ ba là cho đến thời điểm này các giống sắn mới cho năng suất cao hơn so với các giống sắn truyền thống trước đây.

Về góc độ quản lý, ông Phạm Việt Thanh, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết thêm: Qua tổng kết mô hình khảo nghiệm, tôi thấy các giống sắn mới cho năng suất và hiệu quả khá cao, sau mô hình này chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con chọn bộ giống sắn mới để trồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con.

Ông Lê Kim Quốc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh cũng chia sẻ: Huyện Vĩnh Thạnh có nhà máy tinh bột sắn. Đây là điều kiện để thúc đẩy cho sản xuất sắn tại địa phương, trong đó Trạm khuyến nông luôn quan tâm đến chất lượng các giống sắn để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến trong thời gian tới. Kết quả khảo nghiệm một số giống sắn mới bước đầu giúp người nông dân có nhiều lựa chọn, đảm bảo nhiều giống sắn chất lượng để trồng trên nhiều loại chân đất để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân.

Qua kết quả bước đầu cho thấy bộ giống mới này có năng suất, chất lượng khá cao, cần đề nghị Hội đồng khoa học lĩnh vực trồng trọt của Sở nông nghiệp và PTNT Bình Định xác nhận kết quả khảo nghiệm các giống sắn mới năm 2018 và tiếp tục cho sản xuất thử ở các vụ tiếp theo.

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định