Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc là mô hình đã trược Trung tâm khiển khai trong năm 2020 và 2021, riêng trong năm 2021 dự kiến sẽ triển khai 3 điểm trình diễn. Tuy nhiên do nhiều lý do chỉ triển khai được một điểm trình diễn tại xã Cát Minh (Phù Cát) trên diện tích ao nuôi 1.500 m2. Kết quả sau 3 tháng nuôi, tôm không bị bệnh và đạt tỷ lệ sống cao (95%), tôm đạt kích cỡ 79 con/kg, năng suất ước đạt 24 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt 178 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất, được triển khai trên diện tích ao nuôi 500 m2 tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ). Sau 5 thảng thả nuôi (tháng 7 đến tháng 12), cá chình sinh trưởng, phát triển tốt (trọng lượng trung bình 400 g/con) và đạt tỷ lệ sống cao (> 90%). Theo đánh giá của các hộ dân, tỷ lệ sống của cá chình cao hơn hẳn là nhờ việc thiết kế, xây dựng ao nuôi đúng kỹ thuật như: các cống cấp và thoát nước được bịt kín bằng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, trên đỉnh bờ ao có gờ nhỏ vào trong 5 – 6 cm, xây dựng hàng rào chắn kết hợp vây lưới cao trên 1 m đã góp phần ngăn không cho chình bò ra ngoài.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh để thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản thủy sản trên tàu cá, 2 tàu cá tham gia chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương ở thị xã Hoài Nhơn. Ngư dân Bình Định thường có thói quen bảo quản thủy sản đánh bắt bằng đá lạnh xay. Tuy nhiên, cách làm này có nhiều hạn chế, nhất là độ lạnh của đá xay không đủ và chất lượng thủy sản sẽ bị giảm nếu sử dụng đá xay có lẫn nhiều tạp chất. Bảo quản thủy sản bằng công nghệ nano ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, còn làm giảm thất thoát sau thu hoạch. Qua kết quả thực hiện mô hình, chất lượng cá ngừ được nâng lên thấy rõ, da thịt cá sáng bóng, không có nhớt; thịt cá trong, dai hơn so với cá bảo quản bằng đá; màu đỏ của thịt cá nhìn tương đương với bảo quản bằng đá.

Trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục triển khai 5 mô hình khuyến ngư, trong đó tùy thuộc vào đặc trưng của từng vùng để xây dựng mô hình phù hợp. Ở mỗi mô hình, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các địa phương tcử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người dân trong việc thực hiện, đồng thời nắm bắt thông tin kịp thời báo cáo tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: “Các mô hình triển khai nhằm mục đích chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ trong thủy sản. Với Bình Định, nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm là sản phẩm chủ lực. Do đó, cùng với việc duy trì các mô hình phù hợp với điều kiện của từng vùng, Trung tâm còn chú trọng vào chuyển giao kỹ thuật mới cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 sẽ có 30% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh áp dụng công nghệ cao Semi-Biofloc, Biofloc…”./.

Thả giống tại mô hình khuyến ngư 

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định