Qua kiểm tra, đánh giá, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao và thu nhập đáng kể cho nông dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Mô hình được triển khai thực hiện trong vụ Thu trên diện tích 5 ha, tại thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, có 32 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống lúa thuần MT10. Mô hình áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sâu bệnh và đầu tư chăm sóc hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, vật tư và được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc trong quá trình sản xuất.

Tham quan mô hình

Giống lúa MT10 có mật độ sạ 5 kg/sào, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày. Trong quá trình sản xuất, nông dân đã tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống đến đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao hơn hẳn so với ruộng đối chứng ngoài mô hình. Cụ thể, giống lúa MT10 có chiều cao cây đạt 104 cm, cây cứng, ít đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh; bông dài, hạt chắc, tỷ lệ bông hữu hiệu cao và đạt năng suất 70 tạ/ha (cao hơn 12 tạ/ha so với ruộng đối chứng ngoài mô hình sử dụng giống lúa ĐV 108); lợi nhuận  đạt hơn 17,4 triệu đồng/ha, cao hơn 7,5 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng nên nông dân rất phấn khởi.

Ông Hà Văn Thắm, ở thôn Chánh Lý cho biết: “Tham gia mô hình này, gia đình tôi sản xuất 3 sào. Trong quá trình sản xuất, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chi phí đầu tư thấp nhưng năng suất tăng cao, đạt 70 tạ/ha. Trong thời gian tới, tôi sẽ sử dụng giống lúa MT10 và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên tất cả diện tích còn lại của gia đình”.

Mô hình sản xuất giống lúa MT10 bằng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết, theo nguyên tắc 4 đúng, không phun thuốc định kỳ bước đầu đã nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng tăng năng suất và lợi nhuận cho gia đình, tạo sự gắn kết giữa khoa học và thực tiễn.

Thạc sỹ Lê Quang Tình – Phó trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết: “Từ thành công của mô hình này, thời gian tới, chúng tôi  sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích sử dụng giống lúa MT10 và nhân rộng mô hình “quản lý dịch hại tổng hợp” ở những nơi có điều kiện trong các vụ tiếp theo, góp phần nâng cao diện tích chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân; đồng thời, tạo ra nông sản sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường  bảo vệ sức khỏe con người”./.

Trường Giang