Hội thảo đầu bờ mô hình trồng ngô lai thâm canh trên đất lúa chuyển đổi

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu đa dạng hóa cây trồng trên chân đất lúa chuyển đổi, nhằm hạn chế thiệt hại do hiện tượng biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tăng thu nhập cho người nông dân, vụ hè thu năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Lão triển khai mô hình trồng ngô lai thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi với quy mô 2ha tại thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão.

Sau gần 4 tháng triển khai, mới đây Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình trồng ngô lai thâm canh trên đất lúa chuyển đổi.

Mô hình có 14 hộ tham gia với quy mô 2 ha giống ngô lai Bioseed-06. Đây là giống ngô ngắn ngày (trung bình 95 ngày), chiều cao cây 2m, chiều cao đóng bắp 95cm, mật độ 5,2 cây/ m2 , tỷ lệ hạt trên trái khá cao, năng suất ướt thực thu 68 tạ/ha. Qua hoạch toán cho thấy chi phí đầu tư trồng ngô: 33.220.000 đồng/ha, ruộng trồng lúa ngoài mô hình: 23.905.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất mỗi hécta trồng giống ngô lai cho lãi ròng 8.940.000 đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa chỉ 2.095.000 đồng/ha.

Giống ngô lai Bioseed-06 kháng sâu bệnh khá, khả năng chịu hạn cao, so với cây lúa thì nhu cầu nước của cây ngô rất ít, chủ yếu nhờ vào nước mưa. Việc đưa vào trồng thành công giống ngô lai Bioseed -06 với năng suất cao ở xã An Hòa huyện An Lão đã mở ra cơ hội phát triển diện tích ngô lai, giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện ngày càng đem lại hiệu quả cao hơn.

Ngoài lợi nhuận từ thu hoạch bắp, mô hình trồng ngô trên ruộng lúa, người nông dân còn tận dụng được một lượng lớn thân và lá để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi bò. 

Anh Trần Kỳ nông dân tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, diện tích này tôi trồng lúa, mấy năm nay vụ hè thu nào cũng bị hạn nên cây lúa thường mất mùa do thiếu nước, vụ hè thu năm nay tham gia mô hình chuyển đổi sang trồng ngô tôi thấy rất hiệu quả. Trồng luân canh sâu bệnh giảm hẳn, trồng ngô đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa”.

Thực tế trên cho thấy, sản xuất ngô trên địa bàn toàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, sản xuất lúa vụ hè thu thường xuyên đối mặt với khô hạn, thiếu nước tưới, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp nên việc chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa là rất cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho hay: “Huyện An Lão nói riêng và một số địa phương khác nói chung đang đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng một số cây trồng cạn trong đó có cây ngô, cho lợi nhuận kinh tế cao hơn so với cây lúa tăng từ 1,2 - 1,3 lần, thành công của mô hình này sẽ là động lực để chúng tôi yên tâm thực hiện”. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ xây dựng mô hình trình diễn trên diện rộng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để bà con nông dân có điều kiện tiếp cận với các biện pháp kỹ thuật mới, giống ngô mới… đây là cơ sở cho các địa phương lựa chọn cây trồng phù hợp và mạnh dạn trong công tác chuyển đổi”.

Với kết quả đạt được mô hình trồng ngô lai thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi đã thực sự mở ra triển vọng tăng nhanh diện tích trồng ngô trên chân đất lúa thiếu nước, giảm áp lực nước tưới trong điều kiện hạn hán.

Minh Tiến 

Trung tâm Khuyến nông Bình Định