Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Hàm Tân đã chuyển giao nhiều giống mì cao sản năng suất cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho người trồng mì của địa phương. Tuy nhiên đối với bà con dân tộc thiểu số, việc nắm bắt kỹ thuật để phát huy hết tiềm năng năng suất của giống mì cao sản là không dễ dàng. Từ thực tế đó, trong năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận xây dựng mô hình “Chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây mì cao sản cho vùng đồng bào dân tộc” tại thôn Suối Máu, xã Tân Hà, với mong muốn thông qua mô hình bà con nơi đây nắm bắt kỹ thuật trồng mì cao sản, tăng hiệu quả kinh tế.

Mô hình thực hiện với quy mô 1,8 ha, được triển khai cho 03 hộ, giống mì sử dụng là giống KM140 do Trung tâm nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc thuộc Viện KHNN miền Nam cung ứng. Đây là giống mì cao sản có thời gian thu hoạch từ 7 – 10 tháng sau khi trồng, bình quân năng suất củ tươi đạt 33,4 tấn/ha, trong điều kiện thâm canh tốt có thể đạt 40 – 50 tấn/ha.

Sau hơn 7 tháng trồng, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức hội thảo, nghiệm thu mô hình tại thôn Suối Máu.

Anh Nguyễn Văn Công – một trong 3 hộ tham gia mô hình cho biết: giống mì này tỷ lệ sống rất cao, sinh trưởng phát triển rất mạnh, nếu bón phân đầy đủ sẽ cho năng suất cao. Anh Công là hộ thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao nhất vì đầu tư bài bản, đúng quy trình kỹ thuật.

Ngoài ra còn có hộ chị Lý Ngọc Diệp, năng suất vườn mì nhà chị cũng không hề thua kém. Phát biểu trong buổi hội thảo, chị Diệp cho biết, giống mì này cho năng suất cao, củ nhiều. Cả anh Công và chị Diệp đều mong muốn bà con nên chuyển sang sử dụng giống mì như trong mô hình, hom giống sẽ được các hộ thực hiện mô hình cung cấp cho bà con miễn phí để nhân rộng.

Cũng trong hội thảo, bà con cho biết, hiện nay giá thu mua mì khá cao, ai cũng đều phấn khởi. Hạch toán kinh tế cho thấy với giá mì tươi 1.800 đồng/kg, năng suất bình quân 36 tấn/ha cho doanh thu hơn 64 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi gần 23 triệu đồng/ha.

Có thể khẳng định, giống mì KM140 thích hợp với vùng đất xã Tân Hà, cho năng suất cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con. Đồng thời tạo ra nguồn giống mì tại chỗ để bà con nhân rộng với chi phí thấp. Theo ước tính, từ 1,8 ha mì trong mô hình có khả năng nhân rộng sản xuất đại trà khoảng 9 ha trong mùa vụ năm 2018.

Nguyễn Minh Sơn

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận