Ngày 31/32017, Trung tâm KNKN Bình Thuận phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận tổ chức hội thảo mô hình.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Trung tâm KNKN; đại diện phòng NN&PTNT, Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện Bắc Bình, lãnh đạo xã Hoà Thắng, cùng phóng viên Đài PTTH tỉnh, huyện đến dự và đưa tin.

Lần đầu tiên mô hình được triển khai tại địa phương nên bà con khá lo lắng. Vì vậy, trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm KNKN đã tổ chức cho 10 nông dân tham quan mô hình trồng tỏi xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” tại mô hình trồng tỏi và được người dân trồng tỏi nơi đây chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc.

Trung tâm KNKN tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật, và đến ngày 17 tháng 11 năm 2016 đã chuyển 02 loại giống tỏi của Phan Rang và Lý Sơn cho 02 hộ thực hiện trên phần diện tích 2 sào (1 sào = 1000 m2).

Kỹ sư Lương Thị Anh Đào, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình cho biết: “Qua theo dõi, cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển của hai giống tỏi tương đương nhau. Tuy nhiên, giống Lý Sơn có chiều cao cây cao hơn, bẹ lá dài hơn và khoảng cách giữa hai phiến lá xa hơn nên tán lá ít rậm rạp hơn, vì vậy có thể trồng tỏi Lý Sơn mật độ dày hơn tỏi Phan Rang. Trong điều kiện thời tiết vụ Đông Xuân 2016-2017 của Bình Thuận, thời gian sinh trưởng của giống Lý Sơn tại Bình Thuận sớm hơn so với trồng tại Quảng Ngãi từ 15-20 ngày; trong khi đó thời gian sinh trưởng của giống Phan Rang tại Bình Thuận tương tự so với trồng tại Ninh Thuận và cho năng suất vượt trội so với giống tỏi Lý Sơn”.

Mô hình trồng tỏi tại xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình

Anh Nguyễn Lê Hồng Hải - hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Giống tỏi Lý Sơn khó trồng hơn so với giống tỏi của Phan Rang. Hiện tượng mưa nhiều trong những tháng cuối năm và xuất hiện các loài sâu bệnh như dòi đục lá, đục thân, bệnh đốm khô đầu lá... làm cây tỏi chậm phát triển”. Vì vậy theo kỹ sư Đào, nếu muốn trồng tỏi hiệu quả, bà con cần hết sức chú ý khâu làm đất. Đối với vùng đất trồng hành, cần cho đất nghỉ ít nhất 1 tháng trước khi trồng tỏi để có thời gian cách ly bệnh, đồng thời bón vôi trước một tháng; dùng chế phẩm Trichoderma để ủ phân hữu cơ, sau đó bón lót trước khi trồng để xử lý các loại vi sinh vật có hại trong đất, đặc biệt là các loại nấm bệnh.

Qua đánh giá, năng suất thực tế tỏi Phan Rang đạt 65,4 tạ/ha, tương đương so với giống Phan Rang trồng tại Ninh Thuận (55-65 tạ/ha), trong khi năng suất thực tế giống tỏi Lý Sơn chỉ đạt 47,4 tạ/ha.  Như vậy, bước đầu có thể thấy tỏi giống Phan Rang thích hợp với vùng đất Hòa Thắng - Bắc Bình - Bình Thuận.

Mặc dù chỉ là bước đầu thử nghiệm, nhưng kết quả đem lại khá thuyết phục. Cây tỏi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, năng suất khá cao, đầu ra được đảm bảo,… chắc chắn sẽ khuyến khích các hộ nông dân khác làm theo.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân tới 2017 – 2018, Trung tâm KNKN tiếp tục triển khai 4 sào trồng tỏi để theo dõi và đánh giá chính xác hơn, từ đó đưa ra quy trình chuẩn cho cây tỏi tại xã Hoà Thắng. Với kết quả khả quan, bà con xã Hoà Thắng có thêm lựa chọn về cây trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

MS