Việc liên kết nhiều hộ nông dân trên cùng cánh đồng để sản xuất cùng một giống lúa, cùng quy trình canh tác, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, trong đó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng, đồng đều, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cho bà con nông dân là một trong những hướng đi tất yếu. Chính vì thế, nhu cầu xây dựng cánh đồng lớn thâm canh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân là sự cần thiết và cấp bách của địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tánh Linh cùng chính quyền địa phương triển khai dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lạc Tánh, huyện Tánh Linh (HTXDVNN).

Mô hình có quy mô 50 ha; sử dụng giống lúa xác nhận OM 4900; lượng giống: 50 kg/ha; làm mạ khay; cấy 2 mật độ: 30 x16 cm và 30 x 14 cm để so sánh.   

Ngày 16/11/2018 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tổ chức hội thảo tham quan cho hơn 100 nông dân và đại biểu trong và ngoài vùng dự án tham dự. Báo cáo kết quả mô hình cho thấy: Mật độ cấy 30 x 16 cm cho năng suất lúa 7,0 tấn/ha; mật độ cấy 30 x 14 cm đạt năng suất 6,8 tấn/ha; như vậy năng suất mật độ cấy 30 x 16 cm cao hơn mật độ cấy 30 x 14 cm là 0,2 tấn/ha; trong khi đó sản xuất đại trà (lượng giống gieo 250 kg/ha) chỉ đạt năng suất 6,2 tấn/ha. Vì vậy, trước mắt khuyến cáo bà con nông dân nên áp dụng mật độ cấy 30 x 16 cm.

Về tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ruộng mô hình có số lần phun thuốc trừ sâu giảm 33%, trừ bệnh giảm 25% so với ruộng đại trà; do lúa cấy nên thân lúa cứng hơn, tiếp nhận đầy đủ ánh sáng để quang hợp, giảm ẩm độ đồng ruộng nên ít bị bệnh hại.

Về hiệu quả kinh tế: Thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhóm liên kết với doanh nghiệp nên giá bán lúa trong mô hình cao hơn 200 đồng/kg so với lúa sản xuất đại trà , do đó lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình khoảng 7 triệu đồng/ha, tăng hơn 40,3% lợi nhuận, đạt mục tiêu dự án  đề ra (≥20%).       

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận kết luận: Trên cơ sở của việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như chuẩn bị đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, xuống giống theo lịch thời vụ, sử dụng giống có độ đồng đều cao, cấy thưa, bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh hợp lý và quản lý nước tốt sẽ giúp cho cây lúa khỏe mạnh, tán lúa không dày đặc, sâu bệnh không phát triển nên không cần sử dụng thuốc BVTV hóa học khi áp lực sâu bệnh cao; khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV sinh học để đảm bảo môi trường sinh thái đồng ruộng và tạo ra sản phẩm lúa gạo theo hướng an toàn.

Bên cạnh đó còn nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các kỹ thuật tiến tiến trong canh tác lúa: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI; đồng thời với việc  áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt, áp dụng gieo cấy bằng máy nhằm giúp giảm công lao động, giúp cây lúa mọc với khoảng cách hợp lý, quang hợp tốt, đẻ nhánh hữu hiệu nhiều, lúa phát triển tốt, cứng cây, không đổ ngã, sâu bệnh ít, năng suất cao, góp phần cung cấp cho thị trường một số lượng lớn lúa thương phẩm chất lượng cao. Mô hình sẽ tiếp tục nhân rộng 50 ha vào năm 2019 trên địa bàn tỉnh và áp dụng mật độ cấy hàng cách hàng 30cm, khóm cách khóm 16cm để đạt hiệu quả cao nhất.

Qua buổi hội thảo, các đại biểu đánh giá cao kết quả mô hình và hi vọng mô hình sẽ được  quan tâm và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong thới gian tới.

                                           Hồ Công Bình

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận