Mới đây, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với địa phương đã tổ chức hội nghị tổng kết nhằm đánh giá quá trình thực hiện, những thuận lợi, khó khăn và hiệu quả của dự án.

Đến dự hội nghị gồm 60 đại biểu là đại diện thường trực UBND huyện Quảng Uyên, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông khuyến lâm và các hộ nông dân trong và ngoài mô hình.

Quá trình thực hiện mô hình gặp rất nhiều khó khăn như: sau khi trồng không có mưa, thời tiết khô hạn; sau khi mọc xuất hiện sâu xám và thời điểm trỗ bông xuất hiện dịch sâu gai hại ngô… Tuy nhiên, mô hình vẫn cho năng suất cao, đạt 8,5 tấn/ha. So sánh hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích trước đây trồng lúa (1.000 m2) thấy rằng: Chi phí cho trồng lúa là 4.230.000 đồng, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí thì không có lãi mà còn lỗ 1.980.000 đồng; Còn chi phí trồng ngô là 2.539.000 đồng, ít hơn trồng lúa 1.691.000 đồng nhưng sau khi thu hoạch trừ chi phí thì thu lãi 1.711.000 đồng.

Các đại biểu thăm quan mô hình 

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Hiếu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên cho rằng dự án phù hợp với địa phương trong điều kiện thời tiết hiện nay và phù hợp với chủ trương của huyện. Dự án không những mang lại hiệu quả kinh tế và còn mang lại hiệu quả xã hội như: Chuyển đổi nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương giúp tiết kiệm nguồn nước tưới trong điều kiện nắng hạn gay gắt, giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra; góp phần tuyên truyền giúp nông dân nhận thức được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến quá trình sản suất, biết được lợi ích của việc chuyển đổi, tăng vụ từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô hay cây đậu, đỗ.

Để nhân rộng được mô hình cần sự chung tay góp sức của tất cả các ban, ngành, địa phương và đặc biệt nhấn mạnh mỗi một hộ nông dân tham gia mô hình sẽ là tuyên truyền viên tốt nhất và hiệu quả nhất.

Linh Đa

Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng