Vì vậy, năm 2016 Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn thương phẩm an toàn trong nông hộ” nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao ý thức của người dân trong công tác vệ sinh thú y theo tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng VietGHAP. Từ đó, giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao năng suất chất lượng thịt trong chăn nuôi lợn. Mô hình được thực hiện tại xã Bình Long, huyện Hòa An và phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng.

Tham gia mô hình gồm 5 hộ với quy mô 150 con lợn thương phẩm. Các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ 100% giống và 50% vật tư bao gồm: 13.125 kg thức ăn hỗn hợp, 350 liều vắc-xin.

Kết quả của mô hình sau 03 tháng nuôi, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống của đàn lợn đạt trung bình 99,3%, khả năng tăng khối lượng đạt trung bình 780,3 g/con/ngày, tiêu tốn thức ăn trung bình 2,54 kg/1 kg trọng lượng. Tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy chiếm 10% và tỷ lệ mắc bệnh hô hấp chiếm 8,7%. Do các hộ đã được tập huấn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng, điều trị bệnh và áp dụng đúng phác đồ điều trị nên chữa khỏi 100%.

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm quá trình triển khai, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình.

Tham dự hội nghị tổng kết gồm có 20 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Cao Bằng, đại diện thường trực UBND thành phố Cao Bằng, đại diện thường trực UBND hai xã, phường địa điểm thực hiện mô hình và các hộ nông dân trong và ngoài mô hình.

Tại hội nghị, các hộ nông dân đã đánh giá mô hình chăn nuôi lợn an toàn phù hợp với điều kiện chăn nuôi của các hộ nông dân. Bên cạnh đó các hộ thực hiện mô hình cũng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại giá lợn hơi tại địa phương rất thấp, dao động trong khoảng 35.000 đến 39.000 đồng/kg mà bán vẫn rất khó khăn. Người dân mong muốn các đơn vị quản lý siết chặt khâu thú y, kiểm dịch để hạn chế nguồn thịt lợn “bẩn” cung cấp cho thị trường Cao Bằng và cũng là cách để khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng – ông Nguyễn Quốc Trung mong muốn và đề nghị các hộ nông dân tham gia mô hình sau khi kết thúc dự án vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật đã học được vào chăn nuôi và sẽ kiến nghị với UBND tỉnh đề ra các giải pháp tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm, có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh, chỉ dẫn thương hiệu sản xuất lợn an toàn để khuyến khích người chăn nuôi.

Phó Giám đốc Chi cục Chăn nuôi và thú y – ông Nông Chí Kiên cũng ghi nhận ý kiến của các hộ nông dân về thắt chặt khâu quản lý, kiểm soát dịch bệnh và chia sẻ một số văn bản, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm an toàn trong nông hộ đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi về công tác thú y, nâng cao năng suất, chất lượng thịt, phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Linh Đa

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng