Ngoài những cây trồng chính như lúa, ngô thì lạc vẫn là cây trồng chủ lực của người dân xã Thái Học. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn canh tác lạc theo tập quán cũ, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhằm giúp người dân giải quyết những khó khăn về giống, kỹ thuật canh tác lạc góp phần nâng cao hiệu quả, tính chủ động trong sản xuất và gắn kết với thị trường tiêu thụ, vụ Hè Thu, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyên Bình và UBND xã Thái Học đã thực hiện mô hình "Phát triển sản xuất lạc hàng hóa vụ Hè Thu”. Mô hình có quy mô 10 ha với 60 hộ nông dân tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư và được tập huấn kỹ thuật sản xuất lạc L29.

Trong quá trình thực hiện mô hình, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện cùng với khuyến nông viên xã thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại qua các thời kỳ sinh trưởng của cây, chủ động hướng dẫn bà con nông dân khắc phục một số khó khăn về thời tiết đảm bảo sự sinh trưởng của cây.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lạc L29 tại xã Thái Học

Tại Hội nghị tổng kết, báo cáo kết quả mô hình cho thấy trên cùng đơn vị diện tích 1000m2, năng suất lạc L29 đạt 3 tạ, trong khi năng suất giống lạc đỏ địa phương chỉ đạt 1,85 tạ. Với giá bán thị trường là 20.000 đồng/kg lạc L29, nông dân thu được 6 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu vào còn lợi nhuận 1.998.000 đồng.

Mô hình cũng nhận được sự quan tâm của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hòa An trong việc thu mua sản phẩm đầu ra. Ngay từ khi triển khai mô hình, công ty đã hỗ trợ việc giám sát kỹ thuật gieo trồng, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, từ đó có kế hoạch trong việc thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Đây cũng là cơ sở cho việc mở rộng diện tích cũng như khích lệ bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất lạc, yên tâm sản xuất, góp phần tăng thêm thu  nhập, ổn định cuộc sống.

Phùng Thị Hồng Lan

Trung tâm KN và Giống NLN Cao Bằng