Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học triển khai với mục tiêu là chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thay đổi tập quán, phương thức chăn nuôi; vừa gắn bảo vệ sức khỏe cho con người và môi trường sinh thái; cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70% chi phí mua giống và vật tư; các hộ nông dân tự đối ứng 30% chi phí đầu tư để triển khai thực hiện mô hình trình diễn. Quy mô của mô hình là 1.600 con gà lai chọi Minh Dư 2.

Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đã đạt được kết quả tốt trên nhiều phương diện về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đạt hiệu quả xã hội và môi trường. Trọng lượng gà trung bình đạt 1,84 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 94,37%, hệ số tiêu tốn thức ăn đạt 2,54 kg TA/kg TT. Sau khi kết thúc mô hình, thu nhập trung bình mỗi hộ là 10 triệu đồng. Gà là giống vật nuôi có đặc điểm thích nghi tốt, quay vòng vốn nhanh và là đối tượng được chọn để chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình trình diễn nuôi gà an toàn sinh học tại huyện Krông Pắk

 

Phát biểu tại hội thảo tổng kết mô hình, bà Đinh Thị Ngọc (xã Ia Jlơi - huyện Ea Sup) cho biết: “Trước đây gia đình tôi nuôi gà không theo kỹ thuật nên gà hay bị dịch bệnh. Tham gia mô hình, ban đầu có rất nhiều bỡ ngỡ, không biết nuôi như thế nào nhưng có Trạm Khuyến nông, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, từng bước nên khi làm thấy không có gì khó. Ví dụ như phải đeo găng tay, khẩu trang khi cho gà ăn, giữ vệ sinh hàng ngày. Đặc biệt, con giống có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn đảm bảo chất lượng, gà chóng lớn, phát triển đều, do đó hiệu quả cao hơn hẳn. Cái hay nữa của mô hình là từ khi sử dụng chế phẩm balasa N01 để xử lý mùi hôi của phân gà, tôi không thấy còn mùi hôi như trước đây và cũng không cần thu dọn chất độn chuồng thường xuyên”.

Ông Phạm Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã Ea Uy – huyện Krông Pắk) cho biết thêm:“Trước đây, bà con thường chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa biết nhiều về kỹ thuật nên đàn vật nuôi hay bị dịch bệnh. Qua mô hình này giúp bà con có cái nhìn trực quan về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Đề nghị Trung tâm quan tâm và xây dựng nhiều mô hình thiết thực hơn nữa để hỗ trợ cho người dân ở địa phương vùng khó khăn phát triển sản xuất”.

Việc thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học giúp cho bà con từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi tại địa phương từ chăn nuôi nhỏ lẻ đầu tư kém hiệu quả sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có quy mô lớn, nâng cao kiến thức chăn nuôi, kiểm soát và quản lý tốt về an toàn dịch bệnh, giảm chi phí, tăng thêm thu nhập, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; bảo vệ sức khỏe, môi trường cho người chăn nuôi và cộng đồng; hình hành cho bà con phát triển nghề chăn nuôi gà hướng đến sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn bền vững và hiệu quả. Thành công của mô hình cũng là “cú hích” cho các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cao Phúc

Trung tâm Khuyến nông GCTVN&TS tỉnh Đắk Lắk