Tuy nhiên, hiện nay nghề chăn nuôi gia cầm ở huyện Ea Súp còn rất nhiều hạn chế, hầu hết chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ và manh mún, chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi nên thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hạn chế tối đa dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Ea Súp đã triển khai mô hình nuôi gà thả vườn  theo hướng an toàn sinh học (ATSH) sử dụng đệm lót trong chuồng nuôi với quy mô 500 con, 5 hộ tham gia tại thị trấn Ea Súp.

Các hộ tham gia mô hình trình diễn được hỗ trợ 100% chi phí con giống (giống gà lai TN1), 50% chi phí thức ăn và thuốc thú y. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn làm và bảo dưỡng đệm lót, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.

Sau 4 tháng thực hiện, mô hình đã cho kết quả khá tốt. Giống gà lai TN1 phù hợp với điều kiện thả vườn, tỷ lệ sống đạt 95%, trọng lượng bình quân khoảng 1,9 kg/con. Với giá bán hiện nay là 70.000 đồng/kg, với quy mô 100 con thì mỗi hộ tham gia mô hình thu về khoảng 12 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận được 3 triệu đồng.

Tại hội thảo tổng kết mô hình, các đại biểu đánh giá cao mô hình đã góp phần chuyển đổi dần hình thức nuôi chăn thả không cách ly, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh sang hướng chăn nuôi tập trung, kết hợp có vườn rào bao quanh cách ly với khu sinh hoạt gia đình, khu động vật khác nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường. Mô hình chăn nuôi theo hướng ATSH giúp dễ dàng kiểm soát và quản lý an toàn về dịch bệnh, ít tốn công lao động, tăng thêm thu nhập. Đây cũng là nền tảng để bà con nông dân ở địa phương nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế trong gia đình nói riêng và trên địa bàn huyện Ea Súp nói chung.

Phan Vũ

Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk