Hội thảo đầu bờ mô hình nhân rộng giống lúa N25

 

Được biết, đây là mô hình nhân rộng 3 ha để tiếp tục đánh giá sự thích nghi và hiệu quả kinh tế của giống lúa N25 ở vụ này sau kết quả thành công của mô hình thí điểm ở vụ Hè Thu năm 2021, làm cơ sở để phát triển diện tích vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu gạo N25 Hòa Khánh trong thời gian tới.

Quan sát trực quan tại ruông cho thấy, đây là giống lúa thuần cao sản có thời gian sinh trưởng ngắn (95 - 100 ngày) thuận lợi cho việc điều tiết nước tưới vụ Đông Xuân Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng. Chiều cao cây 85-90 cm, cứng cây, sẽ hạn chế thấp nhất vấn đề đổ ngã do mưa, gió có thể gây nên. Hình dáng thân gọn, lá đứng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cây hấp thu ánh sáng để quang hợp, tổng hợp năng lượng nuôi cây. Đặc biệt là đến ngày thu hoạch nhưng 2 lá đòng (lá công năng) vẫn còn xanh, đồng nghĩa với việc lá vẫn tiếp tục quang hợp, tổng hợp dinh dưỡng để nuôi những hạt lúa ở tận cổ bông, hạn chế lép hạt như một số giống lúa khác. Bông lúa to, hạt đầy, sáng, xếp xít nhau, số hạt chắc trên bông khá cao (từ 160 đến hơn 200 hạt/bông), đây là yếu tố quan trọng để cấu thành năng suất.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết cho biết, giống N25 có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi vụ Hè Thu ở Tây Nguyên mưa nắng đan xen dễ phát sinh sâu, bệnh hại trên lúa. Đơn cử, vụ hè thu 2021, năng suất giống lúa N25 đạt 7 tấn/ha, cao hơn một số giống lúa thuần khác gieo cùng thời vụ. Vụ đông xuân năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi giống lúa N25 đã phát huy tiềm năng năng suất, đạt gần 10 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, chủ ruộng cho biết, giống N25 nảy mầm khỏe, sử dụng ít phân bón hơn so với các giống lúa trước đây ông làm, đặc biệt thời gian thụ phấn tập trung, nhanh nên hạn chế rủi ro do môi trường bất lợi có thể tác động trong thời kỳ trỗ bông, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với các giống lúa thuần cùng thời vụ. Tuy nhiên để cây lúa phát huy được ưu thế của giống thì trong quá trình sản xuất phải tuân thủ đúng qui trình từ làm đất, gieo sạ đúng thời vụ, điều tiết nước, đảm bảo mật độ, dinh dưỡng theo nhu cầu sinh lý của lúa, phòng trừ cỏ dại… thì mới đem lại hiệu qủa kinh tế cao đối với giống N25.

Được biết, vụ đông này HTX dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết sẽ tiến hành thu mua sản lượng lúa của mô hình nhân rộng với giá tương đương giá lúa cao sản, xay xát, đóng gói và phân phối ra thị trường. Theo ông Nguyễn ngọc Hiền, tỷ lệ gạo đạt thành rất cao, hạt gạo trong, không bạc bụng, rất ít gãy, cơm mềm, ngon, có mùi thơm nhẹ, đặc biệt để nguội cơm vẫn mềm, dẻo.

Phát biểu tại Hội thảo đầu bờ mô hình nhân rộng giống lúa N25, ông Lê Văn Sử, chủ tịch UBND xã Hòa Khánh cho biết, địa phương đã xác định lúa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Theo đó, xã Hòa Khánh sẽ phối hợp Công ty giống cây trồng Nông Hiệp Phát, cùng HTX dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu gạo N25 Hòa Khánh, liên kết với các bên liên quan để mở rộng vùng nguyên liệu lúa gạo theo chứng nhận chất lượng để giúp người sản xuất lúa gia tăng giá trị thu nhập và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Hồ Thị Cẩm Lai

Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk