Mô hình được triển khai tại thôn 4 xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong với quy mô 02 ha cho 07 hộ tham gia (cả 7 hộ đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc trừ cỏ và thuốc bảo vệ thực vật với tổng giá trị là 21.200.000 đồng. Bên cạnh đó, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch, xử lý đất trước lúc gieo sạ, kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hoạch. Trong quá trình triển khai, cán bộ khuyến nông Trạm thường xuyên theo dõi, bám sát mô hình để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Năm nay do sự biến đổi bất thường của thời tiết lúa giai đoạn cây con trùng với sự bùng phát mạnh của rầy nâu nhưng nhờ sự hướng dẫn xử lý kịp thời, không chỉ các hộ tham gia mô hình mà các hộ trong thôn nên ảnh hưởng không đáng kể. Đặc biệt, cơn bão Damrey vừa qua Quảng Sơn cũng là 1 trong những điểm nằm trong luồng mưa gió bão nhưng ruộng mô hình không bị đổ gãy như những giống lúa do bà con gieo sạ trên cùng 1 cánh đồng.

Sau 05 tháng triển khai thực hiện, kết quả mô hình cho thấy: giống lúa thuần Đài Thơm 8 thích nghi tốt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của vùng, thời gian sinh trưởng ngắn, chiều cao cây thấp, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, bông hữu hiệu nhiều 390 bông/m2, tỷ lệ hạt chắc 140 hạt/bông, khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết bất lợi tốt, khả năng chịu phèn tốt. Ngoài ra hạt gạo thon dài, trong, không bạc bụng và thơm. Năng suất mô hình đạt 7,3 tấn/ha, cao hơn hẳn so với giống lúa thuần bà con đang sử dụng gấp 3,5 lần. Giá bán hiện nay 6.000 đồng/kg thì tổng thu là 43.800.000 đồng/ha. Như vậy, trừ chi phí (kể cả công lao động) là 23.200.000 đồng/ha, mô hình có lãi 20.600.000 đồng/ha cho hơn 03 tháng trồng và chăm sóc. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giúp người dân đảm bảo an ninh lương thực cũng như ổn định chính trị tại địa phương.

Để đánh giá hiệu quả của mô hình cũng như giúp người dân có cơ hội thăm quan học hỏi kinh nghiệm, ngày 10/11/2017, Trạm Khuyến nông huyện Đăk Glong đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình cho 50 bà con nông dân tham dự. Bà con nông dân tham quan mô hình và ruộng xung quanh, trao đổi với các hộ tham gia, từ đó đánh giá, nhận xét một cách khách quan nhất về kết quả. Mô hình được người dân đánh giá cao. 

Bà con nông dân tham quan ruộng mô hình

Ông Hoàng Văn Báo – một hộ tham gia hội thảo nói: “Năm nay Trạm Khuyến nông triển khai mô hình thâm canh lúa thuần tại địa bàn thôn. Qua thực tế thăm quan mô hình và so sánh với những ruộng chúng tôi không làm mô hình có sự khác nhau hoàn toàn. Lúa Đài thơm 8 cây cứng chắc, không đổ ngã, cây thấp và số bông, hạt chắc nhiều. Năm nay tình hình chung trên địa bàn lúa bị rầy nâu và vàng lùn lùn xoắn lá nhiều làm cho năng suất thấp, nhiều hộ cắt bỏ cho bò ăn nhưng lúa mô hình hầu như không bị bệnh, năng suất đạt cao. Trực tiếp đếm số bông, số hạt và gặt 1 m2 để đánh giá thì cho thấy năng suất lúa cao hơn giống lúa tôi đang làm khoảng 3 – 4 lần. Chắc chắn tôi và bà con tham gia hội thảo sẽ đưa giống lúa này vào sản xuất cho vụ tới”.

Mô hình được người dân đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình và thành công bước đầu là cơ sở để bà con nông dân xã Quảng Sơn nói riêng và huyện Đăk Glong nói chung có nhiều sự lựa chọn bộ giống phù hợp, loại bỏ những giống kém năng suất, chất lượng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.

Ông Vi Văn Kảy - một hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Thôn chúng tôi 100% là người dân tộc thiểu số, đất rẫy ít và đời sống nhiều hộ chủ yếu dựa vào cây lúa. Năm nay thời tiết bất thuận, sâu bệnh hại nhiều nhưng được chọn làm mô hình khuyến nông và đến nay thu hoạch gia đình cũng như 6 hộ còn lại rất vui, phấn khởi bởi lúa cho năng suất cao. Nhìn những ruộng lúa không trong mô hình năng suất khoảng 2 tấn/ha và có những hộ mất trắng thì thấy mình may mắn. Giống lúa được triển khai rất tốt, không lo bị đói. Vụ tiếp gia đình tôi sẽ chọn tiếp giống này”./.  

Nguyễn Thị Thắm

Trạm khuyến nông – KN Đăk Glong, Đăk Nông