Năm 2016, theo số liệu thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật thì tổng diện tích cà phê toàn tỉnh là 125.615 ha, tập trung chủ yếu là huyện Đắk Song (23.837ha), Đắk Mil (21.102), Tuy Đức (18.741), Đắk Rlấp (17.343). Trong đó có 112.990 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất trung bình là 2,3 tấn/ha.

Tuy năng suất và sản lượng cà phê tương đối cao trong vùng, nhưng hiện nay người dân sản xuất cà phê nói chung và ở Đắk Nông nói riêng vẫn còn chạy theo lợi nhuận trước mắt mà chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hóa chất nông nghiệp,… không những ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như môi trường sống của con người.

Đứng trước thực trạng trên, năm 2016, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã kết hợp với Công ty TNHH Trang Thịnh Vinh để triển khai dự án sản xuất cà phê bền vững cấp giấy chứng nhận tại xã Nhân Cơ và xã Đăk Wer huyện Đăk R’lấp, với quy mô 25 ha, giúp 50 hộ dân phát triển cà phê bền vững. Nông dân tham gia mô hình được hưởng nhiều lợi ích như: được hỗ trợ 50% giống và thuốc bảo vệ thực vật, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản cà phê.

Vườn cà phê của hộ ông Phạm Hữu Tài ở thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp

Sau 9 tháng triển khai (từ tháng 3 đến tháng 11/2016), với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ Certified đã đạt được nhiều kết quả.

Các hộ tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như bón phân cân đối hợp lý, chú trọng bón phân hữu cơ, vôi và đặc biệt áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ nên đã hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học, do đó vườn cà phê sinh trưởng và phát triển tốt.

Trong quá trình canh tác, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, công lao động từ các hoạt động như tưới nước, cắt cành, bấm chồi, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 10-20%/ha. Lợi nhuận của mô hình khoảng 90 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà trên 16 triệu đồng/ha.

Sau 9 tháng thực hiện, 100% các hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững được cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ Certified (50 hộ dân với 25 ha trồng cà phê).

Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Trang Thịnh Vinh thu mua cà phê cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg cà phê nhân. Đây là một cách làm để gắn kết với các tổ chức thu mua sản phẩm, là điều kiện tốt để kích thích người dân tham gia sản xuất và tăng thêm phần lợi nhuận.

Để đánh giá lại kết quả đạt được của các mô hình, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo đầu bờ cho người dân trên địa bàn huyện Đắk R’lấp. Hội thảo có sự tham gia của 121 người là các chủ hộ mô hình, đội ngũ KNV, CTV KN và các hộ có diện tích cà phê tương đối lớn trên địa bàn huyện.

Theo ông Phạm Hữu Tài ở thôn 3, xã Nhân Cơ: “Những năm trước, 1 ha cà phê của gia đình tôi chỉ đạt năng suất ở mức trên 3 tấn. Nhưng sau khi tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản. Qua đó tôi đã biết cách bón phân cân đối, hạn chế thất thoát phân bón. Ngoài ra gia đình tôi còn biết cách tận dụng vỏ cà phê kết hợp với phân bò và nấm Trichoderma ủ hoai để bón cho cà phê. Nhờ đó giảm chi phí đầu tư nên năm 2016 vườn cà phê của gia đình tôi đạt năng suất trên 4 tấn/ha”.

Từ những thành công đem lại, mô hình đã thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia, mở rộng được điện tích cà phê có chứng nhận 4C, UTZ Certifield. Thông qua chương trình đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường, bán được cà phê với giá cao hơn, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.

Nguyễn Thị Thảo - Trịnh Đình Thâng