Mô hình triển khai tại xã Quảng Sơn huyện Đắk Glong với quy mô 18 ha cho 36 hộ tham gia, trong đó: nữ 14 hộ, chiếm 38,9% và dân tộc thiểu số 7 hộ, chiếm 19,4%. Mục đích của mô hình hướng dẫn người nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ hàng hóa gắn với sản xuất có trách nhiệm đảm bảo đầu ra, sản phẩm an toàn cho người sản xuất và người tiêu thụ, từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình.

Sau 4 tháng triển khai, giống cải thảo HMT 103 sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm trên 90%, tỷ lệ sinh trưởng và phát triển đồng đều trên 75%, trọng lượng cải thảo trung bình 700 gram/cây với mật độ 45.000 – 50.000 cây/ha. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết năm nay mưa lớn kéo dài, cây cải thảo từ 28 ngày tuổi trở lên rất mẫn cảm và gặp mưa liên tục dẫn đến tỷ lệ thối nhũn tương đối cao. Tỷ lệ cải thảo loại 1 đạt 70%, loại 2 là 30%. Năng suất đạt trung bình hơn 25 tấn/ha/vụ.

Cải thảo có vị ngọt thanh, giòn đạt tiêu chí và chất lượng giao hàng cho Công ty TNHH CJ Foods Viet Nam – chi nhánh Long An. Với giá bán hàng loại 1 giá 7.000 đồng/kg, hàng loại 2 giá 4.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận ròng mang lại hơn 60 triệu đồng/ha. Nhờ đó góp phần phát triển kinh tế ổn định cho các hộ dân tại chỗ, thay đổi nhận thức về sản xuất kinh tế.

Ông Lê Đình Tuấn – Chủ tịch UNBD xã Quảng Sơn cho biết: Mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau xanh (cải thảo) được cấp giấy chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông triển khai giúp bà con chuyển đổi tư duy trong cách nghĩ cách làm, giúp địa phương có thêm cây trồng phù hợp để xóa đói giảm nghèo.

Để mô hình tiếp tục lan tỏa đến người dân rất cần có sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học và các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác cùng liên kết với nhau để tạo đầu ra và đầu vào sản phẩm ổn định.

Kết quả của mô hình từng bước tác động làm thay đổi nhân thức của người dân về tư duy kinh tế nông nghiệp. Đây là tiền đề để người dân có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, hướng đến liên kết cùng nhau sản xuất theo tiêu chuẩn, theo chất lượng, tạo vùng nguyên liệu thường xuyên, liên tục cung ứng ra thị trường và đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, giải quyết sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Các đại biểu tham dự hội thảo nhân rộng mô hình

 

Nguyễn Thị Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông