Tham dự hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Điện Biên, Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Khuyến nông, đại diện chính quyền địa phương tại 2 điểm trình diễn, đài truyền hình tỉnh cùng 40 ngư dân trên địa bàn xã Thanh Hưng, phường Him Lam.

Sau 6 tháng triển khai mô hình bước đầu nhận thấy cá diêu hồng có đặc điểm sinh học phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường nước tại 2 điểm trình diễn được lựa chọn. Điều đó được thể hiện qua các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể: Tỷ lệ sống của đàn cá đạt 87% (tăng 17%); Trọng lượng cá sau thời gian nuôi 5 tháng đạt bình quân 600 gram/con; Năng suất đạt 52,7 kg/m3 (tăng 12,5 kg); Hệ số thức ăn đạt 1,63 (giảm 0,37kg).

Theo tính toán với giá bán bình quân tại thời điểm cá đạt trọng lượng 600 gram/con là 35.000 đồng/kg thì mô hình sẽ thu lợi nhuận hơn 31.000.000 đồng/200m3 lồng trong thời gian nuôi 5 tháng.

Các đại biểu thăm quan mô hình trình diễn

Từ hiệu quả bước đầu đạt được của mô hình đã tạo động lực thúc đẩy bà con ngư dân tham gia xây dựng mô hình mạnh dạn đầu tư vốn, thay đổi phương thức chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Khi tham gia mô hình bà con được hướng dẫn phương thức nuôi mới, có sự giám sát chất lượng sản phẩm dựa vào các tiêu chí đánh giá VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, bước đầu đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản sạch mầm bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường tiêu dùng, nâng cáo giá trị sản phẩm. Bà con ngư dân cùng chính quyền địa phương tin tưởng mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Phan Xuân

Trung tâm Khuyến nông Điện Biên