Thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND tỉnh Điện Biên ngày 7/12/2018 về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng thụ tinh nhân tạo đã mở ra hướng phát triển mới trong chăn nuôi, phương pháp này không chỉ giúp nâng cao về chất lượng mà số lượng đàn cũng tăng lên đáng kể.

Từ năm 2010 đến nay, phương pháp TTNT được áp dụng phổ biến tại các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số bò được TTNT là hơn 2.500 con, số bê sinh ra bằng phương pháp này khoảng hơn 2.100 con, tỷ lệ TTNT thành công đạt trên 80%;  bê lai có trọng lượng từ 18 – 23 kg/con, nặng hơn bê giống địa phương từ 5 – 7 kg/con, bê lai có sức đề kháng tốt lớn, trong thời gian 6 tháng, trọng lượng trung bình đạt từ  70 – 90 kg/con (để đạt được trọng lượng này, giống bê địa phương cần thời gian chăm sóc 12 tháng). Ngoài phương pháp TTNT cho bò, Trung tâm còn thực hiện cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp phối trực tiếp. Năm 2019, Trung tâm tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, kiểm tra 11 con bò đực giống chuyển giao năm 2015, 2016, 2017, 2018 tại các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà. Hiện tại, bò đực giống đều khỏe mạnh, phát triển tốt.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò địa phương, kế hoạch TTNT cho 500 con bò, tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 247.921.000 đồng.

Qua theo dõi cho thấy, phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những con bò đực giống có giá trị, năng suất cao trên phạm vi rộng đến từng hộ chăn nuôi, từ đó chất lượng đàn bò được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc triển khai phương pháp này hiện đang áp dụng đối với khu vực giao thông thuận lợi, chăn nuôi tập trung, có quản lý và theo dõi chu kỳ phát triển của đàn bò; một số vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên môn làm công tác TTNT nên nhiều hộ e ngại khi áp dụng. Bên cạnh đó, số bò cái phân bố rải rác, động dục lẻ tẻ, nếu chủ hộ không báo kịp thời cho cán bộ chuyên môn sẽ dẫn đến kết quả phối giống ít thành công.

Hiện, các giống bò đực được sử dụng là giống có năng suất cao như bò lai Brahman, Droughtmaster, B.B.B… có tốc độ tăng trưởng nhanh. Bê lai sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế tăng cao. Nhờ TTNT mà việc theo dõi, ghi chép trong công tác quản lý giống được chính xác hơn, tránh tình trạng đồng huyết, cận huyết, dẫn đến suy thoái chất lượng đàn bò của địa phương. Bên cạnh đó, công tác TTNT đã phát huy được những ưu điểm vượt trội trên đàn bò như thể trạng lớn hơn, khả năng chống chịu với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao hơn so với gia súc sinh ra từ giao phối tự nhiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Viên, đội 15, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: Gia đình ông có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi 3 con bò sinh sản áp dụng phương pháp TTNT. Hiện gia đình đã vươn lên là hộ có kinh tế ổn định, khá giả trong xã. Ngoài ra ông còn hướng dẫn các hộ trong bản về kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản.

Ông Đoàn Văn Viên có thu nhập 40-50 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò sinh sản áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Ðể nâng cao hiệu quả cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất bãi bỏ hoang, đất cấy lúa cho năng suất thấp sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp hướng dẫn người dân chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái trong quá trình mang thai, sau sinh, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn bò… nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, giúp người dân yên tâm chăn nuôi. 

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên