Mô hình có quy mô 3 ha, 31 hộ tham gia được hỗ trợ 100% kinh phí mua 2 máy cấy kéo tay không động cơ, được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng ngay từ đầu vụ.

Qua theo dõi quá trình sản xuất lúa vụ mùa 2019 cho thấy, việc áp dụng các biện pháp IPM ngay từ đầu vụ đã hạn chế được sự phát sinh của sâu bệnh, do đó giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Việc cấy lúa bằng máy giúp giảm lượng giống, điều chỉnh mật độ chuẩn thoáng theo hàng, hạn chế tranh chấp dinh dưỡng, ánh sáng, thuận lợi cho quá trình chăm sóc cây lúa. Việc sử dụng dụng cụ làm cỏ sục bùn tạo thông thoáng trong đất, hạn chế tình trạng nghẹt rễ giúp lúa đẻ nhánh tập trung, cứng cây, tỷ lệ dảnh hữu hiệu từ 8-10 dảnh khóm, ít bị đổ so với lúa ngoài mô hình. Kết quả năng suất đạt 78 tạ/ha, cao hơn so với giống đối chứng từ 15-20 tạ/ha.

Đại biểu tham quan ruộng mô hình

Triển khai mô hình giúp nông dân nắm bắt thực trạng lúa lẫn và tầm quan trọng của việc xử lý lúa lẫn trong sản xuất cũng như việc không sử dụng thuốc trừ cỏ được thay thế bằng dụng cụ làm cỏ sục bùn. Thực hiện mô hình đã thúc đẩy được vai trò của chính quyền địa phương cũng như thu hút được sự quan tâm của một số doanh nghiệp trên địa bàn và nông dân có cái nhìn mới, chấp nhận kỹ thuật cấy lúa bằng máy, tiếp tục áp dụng nhân rộng trong sản xuất.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên