Dự án được triển khai tại 5 tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên trong ba năm 2019-2021 với quy mô 290 ha. Cùng với những kết quả đạt được tại Phú Yên và Gia Lai, mô hình tại Đồng Nai cũng thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Được biết, diện tích trồng sắn của tỉnh Đồng Nai năm 2018 là 15.252 ha, sản lượng đạt 436.499 tấn củ tươi. Trong đó Xuân Lộc là một trong những huyện có diện tích trồng sắn cao nhất tỉnh đạt 8.080 ha, năng suất sắn bình quân của huyện là 28,63 tấn/ ha. Từ năm 2018, Đồng Nai cũng như một số tỉnh trồng sắn ở phía Nam khác chịu ảnh hưởng của nhiều loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn làm cho năng suất sắn giảm, hiệu quả kinh tế trồng sắn thấp.

Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai xây dựng mô hình thâm canh, quản lý tổng hợp hạn chế tác hại của bệnh khảm lá sắn tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Mô hình được thực hiện từ tháng 04/ 2019; diện tích mô hình là 20 ha với sự tham gia của 10 hộ nông dân, giống sắn trồng tại mô hình là giống KM 140 sạch bệnh do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp.

Trước khi xây dựng mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai và Trạm Khuyến nông huyện Xuân Lộc đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân trên địa bàn về qui trình  kỹ thuật canh tác làm giảm bệnh khảm lá sắn do Cục Trồng Trọt & Cục BVTV ban hành. Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông thường xuyên cùng nông dân kiểm tra đồng ruộng phát hiện mật độ bọ phấn (Bemisia tabaci) để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Kết quả kiểm tra đợt 2 (sau trồng 5 tháng) cho thấy cây sắn ở các mô hình này đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ sâu - bệnh hại rất thấp và không có bệnh khảm lá trong khi ruộng ngoài mô hình có tỷ lệ sâu - bệnh hại cao (bệnh khảm lá từ 10- 60%).

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Dự kiến thu hoạch các mô hình trồng giống sạch bệnh tại Xuân Trường sau trồng khoảng 8- 10 tháng và năng suất củ tươi ước tính đạt 35- 38 tấn/ ha.

Kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, việc sử dụng giống sạch bệnh, ít bệnh, xử lý hom sắn đúng kỹ thuật, chăm sóc và thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại là những biện pháp rất quan trọng. Bà con cần lưu ý áp những giải pháp này để có những vụ sắn hiệu quả.

Nguyễn Hữu Hỷ, Bạch Văn Long

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc