Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị tham gia thực hiện dự án tại các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An và Đắk Lắk cùng đại diện lãnh đạo và đông đảo bà con nông dân trong thị xã Bỉm Sơn.

TS. Nguyễn Thị Hải - Chủ nhiệm dự án trao đổi tại hội nghị

Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” được triển khai tại 9 mô hình, 18 điểm trình diễn với quy mô 616 con bò cái được cải tạo và 1.025 bò được vỗ béo, triển khai trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Lào Cai.

Với mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo: 616 bò được thụ tinh nhân tạo tính đến cuối năm 2017, và đầu năm 2018 sẽ cho ra đời 616 con bê lai. Mỗi bò lai 1 tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 6 - 6,5 triệu đồng/con. Nhờ áp dụng phương pháp nhân giống bằng thụ tinh nhân tạo sẽ làm tăng nhanh đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những đực giống có năng suất cao, cải thiện năng suất chất lượng các thế hệ đời sau. Đồng thời, tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn so với bò vàng Việt Nam.

Với mô hình bò vỗ béo: Sau 3 tháng vỗ béo cho thấy, do bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên bò tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740,1g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40,1 g/con/ngày (tương ứng 5,7%). Đặc biệt, tại tỉnh Hòa Bình, mỗi con bò sau 3 tháng vỗ béo cho lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng; hiệu quả kinh tế tăng lên 12 - 15% so với các hộ không tham gia dự án.

Chủ nhiệm dự án xác định công tác lựa chọn điểm trình diễn đóng vai trò quan trọng quyết định đến thành công và nhân rộng dự án, vì vậy trước khi triển khai, dự án đã đề ra các tiêu chí cụ thể, chi tiết như điểm xây dựng mô hình trình diễn đảm bảo tiêu chí ưu tiên các xã xây dựng nông thôn mới; các địa phương có chính sách và quy hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc nói chung trên nguyên tắc đúng đối tượng, công khai và minh bạch các chính sách hỗ trợ. Các hộ tham dự án phải có khả năng đối ứng và cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, điều kiện chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh, có kinh nghiệm trong nuôi bò, có khả năng tiếp thu và thực hiện quy trình công nghệ của dự án. Bên cạnh đó, các địa phương đưa thêm các tiêu chí khác như: mỗi hộ tham gia có 2 - 3 sào cỏ, có 2 - 3 nhân khẩu chính trong độ tuổi lao động…

Với mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tiêu chí hàng đầu là có bò cái nền đạt tiêu chuẩn, trong độ tuổi sinh sản, lựa chọn các xã có tỷ lệ bò lai thấp, chủ yếu đang được thực hiện bằng phương pháp phối giống trực tiếp, chưa hoặc ít áp dụng phương pháp phối giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Đối với mô hình vỗ béo bò thịt có bò đảm bảo đúng đối tượng, bò không sử dụng vào mục đích cày kéo, vắt sữa, sinh sản.

Kết quả, dự án đã lựa chọn được 630/856 hộ đăng ký, đạt tỷ lệ hộ đăng ký/tỷ lệ hộ được lựa chọn chiếm tỷ lệ 73,6%, 100% các hộ có bò bảo đảm đúng đối tượng của dự án.

Các đại biểu tham quan mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo năm 2017, tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Dự án triển khai tại địa bàn miền núi với mức hỗ trợ của Nhà nước là 50% vật tư, phần còn lại người dân tự đối ứng. Cụ thể mức hỗ trợ của Nhà nước cho 01 con bò cái nền có chửa: 120 kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều tinh, 0,5 lít nitơ, gang tay + ống gen: 0,5 bộ. Mức hỗ trợ của Nhà nước cho 01 bò vỗ béo: 135kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều thuốc nội ký sinh trùng, 0,5 liều thuốc ngoại ký sinh trùng và 0,5 liều sán lá gan. Bên cạnh đó, tại mỗi điểm trình diễn sẽ có 2 cán bộ chỉ đạo kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi thú y, có kinh nghiệm hoạt động khuyến nông có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ từ các khâu: hướng dẫn các hộ đo bò trước khi vỗ béo để xác định khối lượng cơ thể đầu vào và khả năng tăng trọng của từng con trong tháng; hướng dẫn các hộ thực hiện công tác phối trộn thức ăn tinh từ nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương; hướng dẫn kỹ thuật chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh; hướng dẫn ghi chép sổ theo dõi hàng ngày; hướng dẫn theo dõi tình hình sinh trưởng của đàn bò (theo dõi tình hình động dục, xác định thời điểm phối giống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò cái chửa, để, bê…).

Chị Trịnh Thị Hòa, và chị Nguyễn Thị Hồng - các hộ nông dân tham gia mô hình tại phường Bắc Sơn cho biết, dự án giúp gia đình nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị trong chăn nuôi bò. Bản thân các chị nắm vững được phương pháp phát hiện động dục, quy trình phối giống nhân tạo thay thế cho dùng đực nhảy… Các hộ dân đều mong muốn dự án sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng hơn đến nhiều hộ gia đình và các địa phương trong tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ bò lai thuộc chương trình dự án tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn đàn bò lai tăng từ 49,89% lên 76,15%; tại xã Thạch Đồng, huyện Thạch Thành tăng từ 46,92% lên 61,58%. Kết quả bước đầu của dự án được đông đảo bà con nông dân đón nhận, đánh giá cao, mô hình có khả năng nhân ra diện rộng.

TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo là tiền đề nhằm nâng cao chất lượng bộ giống Quốc gia. Sử dụng kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả cao, công nghệ chuyển giao đơn giản, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian nuôi giúp cho người nông dân nâng cao ít nhất giá trị kinh tế từ 10 - 15% so với phương thức truyền thống. Do vậy, việc triển khai dự án là cần thiết tại các cùng chăn nuôi chính, góp phần chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức bán thâm canh và thâm canh hàng hóa.

Tuy việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân còn hạn chế, do tập quán chăn nuôi bò chủ yếu là bán chăn thả, thả rông trên đồi núi nên việc phát hiện động dục và phối giống cho bò gặp nhiều khó khăn; nhiều địa phương chưa áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn bò và vỗ béo bò thịt nên người dân còn bỡ ngỡ trong việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào mô hình nhưng từ hiệu quả kinh tế bước đầu đạt được cho thấy, dự án hoàn toàn có khả năng nhân ra diện rộng, giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm nông thôn.

Thông qua các hoạt động như tập huấn, tham quan hội thảo sẽ tác động tích cực đến người dân trong vùng; người dân được trang bị kiến thức cơ bản về “Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò”, “Kỹ thuật vỗ béo bò thịt”, tạo thành nghề có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của các hộ dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng giá trị gia tăng, hiệu quả và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ áp dụng phương pháp nhân giống bằng thụ tinh nhân tạo sẽ giúp tăng nhanh đàn bò địa phương

Thúy Hiên