Mô hình thuộc chương trình Dự án cạnh tranh nông nghiệp triển khai trên cây lúa. Nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Trường Đại học Nông Lâm Huế là đơn vị trúng thầu thực hiện.

Theo đó, 12 lớp tập huấn được tiến hành trong 5 đợt, kéo dài trong 7 ngày, tổng số học viên đã tham gia các lớp tập huấn 401 học viên, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 282 học viên chiếm 70,3%.

Các lớp tập huấn được tiến hành ngay trên đồng ruộng để có điều kiện quan sát, kiến tập các kiến thức được truyền đạt, tăng khả năng tiếp thu và tự triển khai các kiến thức được học.

Giống lúa được chọn là ML48, gieo thưa (tỷ lệ sạ giống 120 kg giống/ha; so với trước đây nông dân sạ giống từ 240 kg đến 290 kg giống/ha), mặt ruộng phải bằng phẳng, có độ cao đồng đều và không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, hạn chế phun thuốc, nhất là giai đoạn từ khi sạ đến 25 ngày; chỉ khi nào có lượng sâu bệnh hại mức độ cao mới phun thuốc, khi phun thuốc phải có tính chọn lọc.
Nông dân được tập huấn bón phân theo bảng so màu lá lúa. Kỹ thuật này hướng dẫn nông dân chọn 5 vị trí lúa tại 4 góc ruộng và chính giữa ruộng, dùng lá lúa thứ 2 để so sánh với 5 điểm màu trong bảng so màu; chỉ khi nào màu lá lúa chiếm tỷ lệ từ 3/5 trở lên rơi vào điểm màu số 1 và số 2 thì người dân mới tiến hành bón phân…

Ông Siu Phát, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa cho biết: Thông qua lớp tập huấn về mô hình “3 giảm - 3 tăng”, ông đã được mắt thấy tay làm nên nắm vững được kỹ thuật. Trong thời gian trình diễn mô hình trên diện tích lúa gia đình, tôi đã tiến hành theo đúng quy trình được học nên kết quả đạt được hết sức khả quan. Lượng giống gieo sạ thấp hơn nhiều so với cách truyền thống, cây lúa đẻ nhánh rất khỏe; lượng thuốc và phân bón cũng thấp hơn so với phương pháp truyền thống. Khi lúa làm đòng bông dài và hạt dày. Kết quả năng suất và sản lượng đem lại rất cao .

PGS.TS. Trần Đưng Hòa - Chủ nhiệm gói thầu cho biết: “Quy trình kỹ thuật “3 giảm-3 tăng” phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện Phú Thiện và Ia Pa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả cao cho nông dân. Người dân có thể dễ dàng áp dụng quy trình kỹ thuật này ngay trên đồng ruộng của họ. Khả năng nhân rộng mô hình “3 giảm-3 tăng” là rất khả quan.

Hương Trà