2016-2017: 3.000 ha đất hai lúa được cải tạo bằng phân bón Power ant

Năm 2016-2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam triển khai Đề án tại 6 huyện, thành phố với tổng diện tích 3.000 ha, trên đối tượng là cây lúa (360 ha); cây ngô (1.640 ha); cây bí (1.000 ha).

Đây là loại phân bón mới, vì vậy Trung tâm đã tích cực tuyên truyền bằng mọi hình thức để nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của loại phân bón này đến người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành khảo sát lựa chọn địa phương triển khai mô hình, đảm bảo yêu cầu gọn vùng, tập trung và giao thông thuận tiện; triển khai cấp phát phân bón Power ant cho các điểm thực hiện đảm bảo đủ về số lượng và kịp tiến độ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn 30 lớp kỹ thuật sử dụng phân bón Power ant cho các hộ tham gia mô hình; cử cán bộ theo dõi, chỉ đạo mô hình và cuối mỗi vụ Trung tâm thành lập đoàn nghiệm thu đánh giá kết quả và hiệu quả của phân bón Power ant. Nhờ vậy nông dân đã nâng cao nhận thức về việc lạm dụng phân bón hoá học sẽ ảnh hưởng tới môi trường, chất lượng cuộc sống, để từ đó góp phần thay đổi thói quen sử dụng phân bón bằng phân bón vi sinh, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tham gia sử dụng phân bón Power ant một cách đảm bảo, đúng quy trình và hiệu quả.

Với tổng lượng cấp phát 12.000 lít phân bón, qua hai năm triển khai thử nghiệm cho thấy sản phẩm phân bón Power ant cho kết quả rất tốt trên cây lúa, cây ngô và cây bí; giúp cây trồng có bộ rễ phát triển vượt trội so với cây trồng ngoài mô hình; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của cây, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Các đại biểu tham quan mô hình sử dụng phân bón Power ant trên cây bí đỏ

Điển hình ở xã An Ninh, Power ant góp phần giúp bí đỏ hồi phục nhanh sau bão lụt. Cụ thể, vụ Đông 2017, xã An Ninh (huyện Bình Lục) tham gia triển khai mô hình thử nghiệm phân bón Power ant trên cây bí đỏ với quy mô 20ha, thu hút 130 hộ tham gia tại 6/7 thôn xóm. Tuy nhiên thời tiết năm nay bất thuận, đặc biệt những trận mưa lớn kéo dài trong tháng 10 đã gây thiệt hại lớn, nhiều diện tích cây trồng vụ Đông mất trắng. Bí đỏ trong mô hình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngoài việc tiêu úng, nhập giống gieo bổ sung, thì bà con đã sử dụng phân bón Power ant và điều này đã góp phần đáng kể trong việc giúp cây bí đỏ hồi phục nhanh và sinh trưởng phát triển tốt.

Các hộ tham gia mô hình cho biết: Qua nhiều năm trồng bí Nhật, vụ Đông năm nay tưởng chừng như mất cả chì lẫn chài do bão lụt, nhưng nhờ có phân bón Power ant đã giúp gia đình yên tâm hơn và có động lực gồng lên cứu bí thành công, gỡ được năng suất trong điều kiện bất thuận như năm nay. Theo hoạch toán kinh tế của xã thì so với đối chứng, bí trong mô hình cho năng suất cao hơn trên 5%, và cho hiệu quả kinh tế cao hơn 78.000 đồng/sào, tương đương hơn 2 triệu đồng/ha.

Trong hội nghị tổng kết, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam đã tổ chức  thảo luận đánh giá chi tiết về hiệu quả của loại phân bón này đối với cây trồng trên đất hai lúa, đó là giúp cây trồng có bộ rễ phát triển vượt trội, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của cây. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tiết kiệm 20-30% phân bón hóa học so với cách bón thông thường. Tăng cường hoạt động hệ vi sinh vật bảo vệ tầng canh tác đất trồng lúa, tăng hệ keo đất, tăng khả năng giữ nước, phân bón. Sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ tiêu thụ. Đặc biệt đối với cây lúa, các điểm thử nghiệm phân bón không có hiện tượng ngộ độc hữu cơ trong vụ mùa, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế so với ngoài mô hình 3.663.000 đồng/ha và tăng năng suất 10-20% so với thâm canh truyền thống. Riêng vụ Đông 2017, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, diện tích trong Đề án bị thiệt hại 96,7%, còn lại rất ít diện tích ngô và bí ở chân ruộng cao. Tuy nhiên so với kết quả vụ đông 2016 cho thấy: diện tích bí được sử dụng phân bón power ant cho quả to và đồng đều, lãi hơn so với ngoài mô hình gần 4.750.000/ha; cây ngô ở giai đoạn cây con không có hiện tượng bị huyết dụ chân chì sau khi gặp mưa, lãi hơn so với ngoài mô hình 1.623.000 đồng/ha.

2018 – 2020: 9.375 ha cây lúa ứng dụng phân bón Power ant  

Xuất phát từ kết quả trên, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án “Ứng dụng phân bón vi sinh Power ant trên cây lúa giai đoạn 2018 - 2020” với tổng diện tích là 9.375 ha, thực hiện trong 3 năm 2018 – 2020, mỗi năm 3.125 ha. Tổng lượng phân bón vi sinh Power Ant là 37.500 lít; triển khai theo hình thức cuốn chiếu, diện tích triển khai không được lặp lại ở các vụ sản suất; ưu tiên triển khai ở những diện tích đã hình thành Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã kiểu mới, những nơi đã tích tụ ruộng đất theo đề án của tỉnh, những nơi đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, thực hiện trên cây lúa tại 6 huyện, thành phố với 125 điểm mô hình, mỗi điểm có quy mô 25ha, với định mức 4 lít/ha.   

Để các địa phương chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2018, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch Đề án với UBND các huyện, thành phố và các xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời căn cứ vào kế hoạch trong Đề án, UBND các huyện, thành phố giao kế hoạch cụ thể đến từng điểm thực hiện.

Đề án được triển khai thực hiện là điều kiện để các địa phương hỗ trợ các hộ nông dân tiếp nhận sản phẩm phân bón mới áp dụng trên đất hai vụ lúa nhằm thực hiện tốt Nghị định số 35/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, từng bước giảm lượng phân bón vô cơ, thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam