Hải Dương là tỉnh có tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện về thuỷ sản. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển dịch kinh tế của tỉnh, đặc biệt là đề án chuyển đổi đất trũng, kém hiệu quả sang đào ao nuôi trồng thuỷ sản nên ở khắp các địa phương trong tỉnh đã phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá rô phi đơn tính.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hải Dương đạt gần 12.000ha, tổng sản lượng gần 65.000 tấn. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, đặc biệt là thiếu kiến thức về các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến (VietGAP); chưa có sự gắn kết, hợp tác giữa người nuôi với nhau, giữa người nuôi với nhà quản lý, nhà khoa học, nhà cung ứng các yếu tố đầu vào, nhà chế biến và các nhà phân phối sản phẩm; vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã triển khai mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Mô hình có 03 hộ nông dân thuộc 2 xã Lạc Long và Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn tham gia. Tổng diện tích là 3ha/90.000 con giống được thả nuôi, mật độ thả 3 con/m2.

Cán bộ khuyến nông đang kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá rô phi

Các hộ được hỗ trợ 100% về con giống, chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho cá; được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh thường xuyên xuống hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, cách cho cá ăn, kiểm tra tốc độ sinh trưởng ở cá rô phi và giám sát, lấy mẫu phân tích. Ngoài ra còn được Trung tâm đứng ra liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ chủ động trong công tác phòng chống bệnh thủy sản, triển khai đồng loạt, quy mô nên cá ít bị bệnh. Qua gần 7 tháng nuôi, cá đạt khối lượng trung bình 1 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, năng suất trên 18 tấn/ha. Đặc biệt, người nông dân từ bỏ thói quen sử dụng thuốc bừa bãi cho thủy sản, không sử dụng các chất kháng sinh, tạo ra sản phẩm đảm bảo.

Là một trong ba hộ tham gia mô hình, anh Nguyễn Văn Quang phấn khởi cho biết: Tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP, gia đình anh luôn được sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Khuyến nông trong việc tư vấn, chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Được tư vấn, nên anh không nuôi nhiều loại cá như trước kia và thả cá với mật độ phù hợp vì vậy, vừa đỡ tốn thức ăn mà cá lại sinh trưởng, phát triển nhanh. Hiện cá đang đạt trọng lượng từ 900 – 1.000 g/con; dự tính đến cuối tháng 12 cho thu hoạch, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,2 - 1,3 kg/con, với giá bán từ 33.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh có thể thu lãi gần 100 triệu đồng. Anh Quang cho biết thêm, từ trước đến giờ, gia đình anh cũng đã nuôi giống cá rô phi này nhưng với quy trình nuôi mới theo VietGAP đã nâng cao nhận thức, hiểu biết, trình độ kỹ thuật của gia đình anh và các hộ nuôi cá khác, giúp tăng năng suất, giá trị, sản phẩm đảm bảo an toàn nên được các công ty ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Có thể khẳng định, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP đã giúp người nuôi cá thay đổi tư duy để phát triển theo hướng bền vững. Nuôi thả theo phương pháp này, tỷ lệ cá sống cao, dịch bệnh ít, thời gian nuôi được rút ngắn và giảm mức đầu tư, chi phí, không những mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân mà còn có ý nghĩa về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Trong đó, yếu tố quan trọng là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thể hiện trách nhiệm của người chăn nuôi trong việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch, nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng. Từ đó, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết sản xuất, cung ứng chuỗi sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh trong cơ chế thị trường hiện nay.

Lê Văn Khoa

TT Khuyến nông Hải Dương