Toàn tỉnh có khoảng trên 1.000 con lợn nái ngoại ông bà đảm bảo hàng năm sản xuất được khoảng 10 nghìn con giống bố mẹ cung cấp cho người chăn nuôi và 300 con lợn đực giống cao sản sản xuất tinh dịch, hàng năm sản xuất được 600-700 nghìn liều tinh, phục vụ nhu cầu thụ tinh nhân tạo cho đàn nái của tỉnh.

Trong khi hiện nay, không ít hộ gia đình vẫn giữ thói quen chăn nuôi truyền thống, làm chuồng trại ngay trong phần đất của gia đình gây ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh. Việc quy hoạch chăn nuôi tập trung đồng thời tăng cường các biện pháp an toàn sinh học giúp quản lý dịch bệnh, tạo sản phẩm an toàn và tăng hiệu quả kinh.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương quy mô 43 nái với 2 hộ dân tham gia thực hiện.

Thực tế, chăn nuôi theo hướng tăng cường các biện pháp an toàn sinh học đem đến nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường. Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôivà tăng thu nhập cho người nuôi. Tuy nhiên, thực hiện điều này không dễ dàng vì chi phí xây dựng chuồng trại, điều kiện chăn nuôi khá cao so với khả năng tài chính của nhiều nông hộ. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng phải thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại; yêu cầu về con giống bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và an toàn dịch bệnh; thức ăn, nước uống, xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh theo quy định của thú y. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; kiểm soát vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào chuồng trại. Những yêu cầu này hiện không phải hộ chăn nuôi nào cũng nắm được đầy đủ.

Nhận thức được điều đó, Trung tâm Khuyến nông tiến hành rà soát, lựa chọn được 2 hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học. Đây là những hộ chăn nuôi lợn có chuồng trại ở trong vùng quy hoạch chăn nuôi của địa phương, cam kết nguồn vốn đối ứng và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi lợn tăng cường các biện pháp an toàn sinh học theo đúng yêu cầu của dự án.

Việc thực hiện mô hình giúp kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chủ động con giống đảm bảo chất lượng

 

Ông Phạm Văn Hùng – hộ tham gia dự án chia sẻ: “Tham gia dự án ngoài việc được hỗ trợ một phần về con giống, thức ăn và vật tư thú y, gia đình tôi còn được tập huấn chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi tăng cường các biện pháp an toàn sinh học giúp đàn lợn không có dịch bệnh, trong đó đặc biệt coi trọng việc sử dụng vắc xin để phòng bệnh và các biện pháp xử lý chất thải cho trang trại chăn nuôi của gia đình”.

Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn nái trong dự án đã đẻ lứa 1, trung bình đạt 11,7 con/nái. Khối lượng lợn con sơ sinh trung bình đạt 1,45 kg/con, đạt yêu cầu của dự án.

Đánh giá về dự án chăn nuôi lợn tăng cường các biện pháp an toàn sinh học,  bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Hải Dương cho rằng, việc thực hiện mô hình giúp kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chủ động con giống đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi cũng được xử lý hiệu quả hơn thông qua hệ thống ao sinh học và hầm biogas góp phần bảo vệ môi trường.

Để mô hình được nhân rộng cần tăng cường tuyên truyền giới thiệu hiệu quả từ dự án. Tiếp đến là thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi;, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học và thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y...

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tăng cường các biện pháp an toàn sinh học không chỉ góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp, mà còn phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại; đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Nguyễn Văn Bình

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương